VNPT đề nghị bỏ quy định thuê bao 3 tháng mới được đăng ký Mobile Money

Gửi kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đề nghị xem xét bỏ quy định thuê bao 3 tháng mới được đăng ký Mobile Money để tăng khả năng khách hàng tiếp cận sử dụng dịch vụ.

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trước đây, trong quá trình làm việc với Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an xây dựng nội dung và trình Thủ tướng Chính phủ ban hàng quyết định về việc thí điểm dịch vụ Mobile Money, quy định về thuê bao phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng đã được lấy ý kiến các doanh nghiệp và thống nhất đưa vào quy định để triển khai.

Ngoài ra, để đảm bảo quy định định danh khách hàng đăng ký và sử dụng Mobile Money, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải giải quyết được cơ bản tình trạng thông tin thuê bao không chính xác trước khi xin phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Theo Cục Viễn thông, hiện nay Bộ Công an đã triển khai cơ sở dữ liệu dân cư, do đó có thể phối hợp sử dụng cơ sở dữ liệu của Bộ Công an để đối soát.

Cục Viễn thông đã có ý kiến đề nghị doanh nghiệp có báo cáo cụ thể phương án kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, đề xuất cụ thể giải pháp đối soát thông tin định danh, đảm bảo KYC được khách hàng khi mở tài khoản Mobile Money để có sở cứ tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ có ý kiến để Ngân hàng Nhà nước Thủ tướng Chính phủ sửa quy định về việc thí điểm dịch vụ Mobile Money.

VNPT chính thức công bố cung cấp dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) trên cả nước từ ngày 25/11/2021. Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng thuê bao VinaPhone như một tài khoản ngân hàng, với đầy đủ các chức năng như nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ…

Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sau 4 tháng triển khai, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 1.096.245 khách hàng, trong đó có 659.237 khách ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đạt 60,1%. Số lượng giao dịch đạt 8,4 triệu giao dịch với giá trị lên tới 371 tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money.

Theo đó, quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3/2021) và thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.

Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.

Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.

Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Đáng chú ý, quyết định này yêu cầu mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.

Quyết định của Thủ tướng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money, bao gồm tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.