Viettel muốn tham gia sản xuất và xuất khẩu chip

Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết sau hơn 30 năm, Viettel đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu tại Việt Nam với ngành nghề kinh doanh chính gồm: viễn thông, giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, nghiên cứu sản xuất công nghệ cao, thương mại điện tử và logistics.

Viettel đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trong số các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022. Nhà mạng này đầu tư ra nước ngoài với 10 thị trường có tổng dân số 260 triệu dân, tại 3 châu lục. 

Đến nay, 7/10 thị trường kinh doanh đã có lợi nhuận, dòng tiền về nước những năm gần đây ở mức 250-350 triệu USD/năm. Tập đoàn Viettel đã thu về 900,3 triệu USD, tương đương 62% tổng mức đầu tư…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Viettel cũng đã có một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan về các cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển, giúp Viettel thực hiện thành công chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, đồng thời tiếp tục trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước. 

Cụ thể, Viettel đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho Viettel một số nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, phát huy thế mạnh và thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, an toàn, an ninh mạng, xây dựng và triển khai nền tảng chuyển đổi số quốc gia, trung gian thanh toán chuyển mạch và bù trừ điện tử.

Viettel cũng mong muốn được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu; nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh, hiện đại hóa các cở sở hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải, logistics, đô thị, khoa học công nghệ…

Viettel cũng đề xuất Chính phủ tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước trong công tác đầu tư, tiền lương và tổ chức, sắp xếp lại đơn vị nội bộ; bổ sung mới hành lang pháp lý mới cho các doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, doanh nghiệp này đề xuất Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cơ chế để thực hiện đánh giá trên nguyên tắc đánh giá hiệu quả đầu tư trên tổng thể thay cho việc đánh giá dựa trên các khoản mục, dự án đầu tư riêng lẻ và cơ chế thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Viettel phải quyết tâm nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, là một trong những tập đoàn đóng vai trò dẫn dắt quá trình này, làm trung gian thanh toán chuyển mạch, bù trừ điện tử.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng Viettel cần góp phần xây dựng dữ liệu quốc gia, tăng cường an ninh, an toàn mạng, an toàn viễn thông; phát triển các lĩnh vực viễn thám, logistics và thương mại điện tử.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Viettel tổng kết thực tiễn, triển khai đầu tư ra nước ngoài chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đúng quy định của Việt Nam và pháp luật nước sở tại; góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển, xây dựng quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Viettel cũng được yêu cầu tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, đổi mới quản trị quốc gia.

Liên quan đến các kiến nghị của Viettel về cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, Thủ tướng giao các bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.