Viettel cán mốc 1 triệu người dùng sau 1 năm ‘tham chiến’ thu phí tự động

Theo đại diện Viettel, số lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng mà VDTC phát triển được trong vòng 1 năm kể từ khi ra mắt dịch vụ ePass ngang bằng với con số của toàn bộ thị trường Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước đó.

Nhờ đó, tỷ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tại Việt Nam đã tăng từ 25% lên gần 50% (theo thống kê tại cổng thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến 8/2021, có hơn 4,4 triệu ô tô đang lưu hành).

“Hệ thống ePass của VDTC giúp làm giảm thời gian xử lý giao dịch giảm 3 lần so với trước đây, từ 0,6 giây xuống 0,2 giây. Hệ thống có tỷ lệ nhận dạng biển số xe là 99,8, vượt 8,8% so với KPI của cơ quan quản lý nhà nước. Tỷ lệ nhận dạng thẻ đầu cuối đạt 98,48%, vượt 0,48% so với KPI của cơ quan quản lý Nhà nước. So với hình thức thu phí một dừng, thời gian vận chuyển của khách hàng qua trạm giảm đến 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ”, đại diện Viettel nói.

Được biết, hiện tại hệ thống của VDTC có tỷ lệ khách hàng sử dụng thường xuyên đạt hơn 75%. Tại các trạm do VDTC triển khai cung cấp dịch vụ, tỷ lệ khách hàng chuyển sang sử dụng thu phí không dừng đạt hơn 50%.

Theo tổng giám đốc VDTC Bùi Trình, trong tương lai, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh tiến độ phổ cập dịch vụ thu phí không dừng, doanh nghiệp này muốn xây dựng một hệ sinh thái giao thông thông minh, tiếp tục phục vụ người dân, đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế.

VDTC đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ thông qua xúc tiến triển khai các dự án giao thông thông minh trên các tuyến đường cao tốc cũng như các bãi đỗ xe, bến cảng, sân bay.

Hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO) được chính thức khai trương và đưa vào vận hành ngày 29/12/2020. 

Hệ thống do Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) và các đối tác (VietinF và ITD) triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ.