Tiềm năng phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Đông Nam Á

Các sự kiện “thiên nga đen” như dịch bệnh và thiên tai đã hạn chế năng lực sản xuất, tình trạng thiếu chip toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và các lệnh trừng phạt thương mại thúc đẩy ngành nghề chuyển từ phân công lao động và hợp tác sang tự chủ phát triển. Những nước sản xuất lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lần lượt tiến hành vòng cạnh tranh mới nhằm nâng cao hơn nữa hoặc củng cố lợi thế sản xuất của mình.

Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp bán dẫn, ngoài việc liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các quốc gia và khu vực, vẫn còn nhiều quốc gia đang đẩy mạnh nỗ lực để bắt kịp và cố gắng tăng cường sức mạnh và công nghệ bán dẫn của mình.

Từ các kế hoạch và chiến lược của các nước Đông Nam Á, không khó có thể nhận thấy rằng tất cả các nước Đông Nam Á đều mong muốn phát triển hệ sinh thái bán dẫn của riêng mình và tiến gần hơn đến các liên kết chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Từ góc độ toàn cầu, Đông Nam Á rất hấp dẫn đối với một đợt chuyển giao chuỗi sản xuất, chuỗi chế tạo quy mô lớn mới.

Cạnh tranh Mỹ-Trung có lợi cho Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á cũng chiếm một vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu. Ước tính quy mô thị trường chip của các nước Đông Nam Á đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2020 và đạt khoảng 41,1 tỷ USD vào năm 2028.

Ngoài các yếu tố như sự bùng phát của dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine, các nước Đông Nam Á đang phát huy vai trò ngày càng lớn hơn trong dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Cơ sở sản xuất của các công ty bán dẫn đã được chuyển từ Trung Quốc Đại lục sang Đông Nam Á, ngoài việc xem xét các yếu tố chính trị, lý do chính là để tránh rủi ro từ phía sản xuất.

Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, nhu cầu về chuỗi cung ứng đa dạng và tăng cường tính linh hoạt có thể mang lại lợi ích cho Đông Nam Á. Đạo luật chip và khoa học của Mỹ đã tạo ra một làn sóng cạnh tranh trong việc phát triển ngành công nghiệp chip toàn cầu. Xét cho cùng, đối với nhiều công ty không phải của Mỹ, chi phí xây dựng nhà máy ở Mỹ là rất lớn, và các nhà máy bán dẫn chỉ có thể đẩy nhanh quá trình thay thế Trung Quốc Đại lục tại Đông Nam Á.

Sự biến động mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp lâu đời và mới nổi ở Đông Nam Á, để lấp đầy khoảng trống nguồn cung do những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc Đại lục khỏi thị trường chip. Đông Nam Á đang trở thành mảnh đất vàng để các đại gia chip đặt cược.

Singapore – cơ sở sản xuất với chuỗi sản xuất hoàn chỉnh

Singapore là một trung tâm sản xuất quan trọng với chuỗi sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vi mạch. Các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã chọn đặt nhà máy tại Singapore, chẳng hạn như ST, Infineon, MediaTek, Micron và các công ty OSAT lớn bao gồm ASE và JCET cũng có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm tại Singapore.

Singapore là trụ sở hoạt động toàn cầu của Micron Technology, ba nhà máy sản xuất bán dẫn (FAB) và một cơ sở lắp ráp thử nghiệm. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Infineon tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi quản lý các chức năng chính bao gồm R&D, chuỗi cung ứng, bán hàng và tiếp thị.

Đồng thời, cả Global Foundries và UMC cũng đều có nhà máy ở Singapore để sản xuất chip với quy trình 40nm cao nhất. Các công ty OSAT lớn bao gồm ASE và JCET cũng có nhà máy lắp ráp thử nghiệm tại Singapore.

Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang đầu tư gần 200 tỷ USD vào Singapore để giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Global Foundries đã công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD để mở rộng khả năng sản xuất, dự kiến sẽ nâng công suất tại Singapore lên 1,5 triệu tấm wafer 300mm mỗi năm. UMC sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào một nhà máy mới ở Singapore để sản xuất chip 22 và 28 nm nhằm tận dụng nhu cầu về 5G và thiết bị điện tử ô tô.

Malaysia – nơi đóng gói và thử nghiệm quan trọng, các công ty hàng đầu tăng đầu tư

Do có vị trí quan trọng trong việc đóng gói thử nghiệm và các linh kiện điện tử thụ động, Malaysia đã âm thầm phát huy vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh chip toàn cầu này.

Theo thống kê của Statista, Đông Nam Á chiếm 27% thị trường thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn toàn cầu, riêng Malaysia chiếm khoảng một nửa. Hiện có hơn 50 công ty bán dẫn ở Malaysia, hầu hết là các công ty đa quốc gia như AMD, Infineon, STMicroelectronics, Intel, Renesas, Texas Instruments.

Dữ liệu của SEMI cho thấy, Penang, Malaysia chiếm khoảng 8% sản lượng phụ trợ của ngành bán dẫn toàn cầu, trở thành khu vực lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip hàng đầu thế giới. Ngày 21/9, Taiyo Yuden đã thông báo rằng vì lạc quan rằng nhu cầu về tụ gốm đa lớp (MLCC, tụ điện được sử dụng trong các thiết bị điện tử) sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai do đó sẽ đầu tư khoảng 18 tỷ yen (130 triệu USD) để xây dựng một nhà máy MLCC mới tại công ty con ở Sarawak, Malaysia.

Hiện tại, Bosch đang xây dựng một trung tâm thử nghiệm chất bán dẫn mới ở Penang, Malaysia, sẽ được sử dụng để thử nghiệm các chip và cảm biến bán dẫn thành phẩm vào năm 2023. Năm 2022, Infineon cũng đặt nền móng cho nhà máy hiện đại mới của mình ở Kulim, Malaysia, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2024.

Thời gian gần đây, những thông tin về lũ lụt và đóng cửa thành phố ở Malaysia đã ảnh hưởng đến tâm lý của ngành công nghiệp bán dẫn, tác động đến hoạt động sản xuất của nhiều công ty công nghệ nước ngoài tại các nhà máy địa phương và tác động tiềm tàng đến chuỗi cung ứng. Intel đang tăng tốc mở rộng và có kế hoạch đầu tư 30 tỷ ringgit (khoảng 7,1 tỷ USD) vào Malaysia, dự kiến xây dựng dây chuyền sản xuất đóng gói và thử nghiệm tại Malaysia trong 10 năm tới. 

Tháng 12/2022, nhà máy phụ trợ Seremban của Nexperia Semiconductor Malaysia đã tổ chức lễ khởi công mở rộng, bổ sung công suất 25 tỷ sản phẩm, tăng 85%. Rohm đã quyết định xây dựng một nhà máy mới tại công ty con RWEM ở Malaysia để nâng cao năng lực sản xuất LSI tương tự và bóng bán dẫn, những thứ đang ngày càng được thị trường yêu cầu. Bosch cũng có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu euro (420 triệu USD) vào Malaysia và trung tâm thử nghiệm mới ở Penang, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023.

Thái Lan – nơi tập trung của các công ty Nhật Bản

Thái Lan là cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử và linh kiện thứ 13 trên thế giới, đồng thời cũng là nơi tập trung đầu tư lâu dài của các công ty Nhật Bản như Sony, Rohm, Samsung, Murata, Toshiba, Kyocera đều đã thành lập FAB tại Thái Lan.

Tập đoàn Sony sẽ đầu tư khoảng 70,7 triệu USD để thành lập nhà máy bán dẫn tại cơ sở sản xuất ở miền trung Thái Lan, sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, chủ yếu để sản xuất cảm biến hình ảnh. Murata đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất tụ điện tại Thái Lan, đây là lần đầu tiên Murata sản xuất sản phẩm MLCC tại Thái Lan, nhà máy mới có vốn đầu tư 12 tỷ yen và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2023. 

Kyocera có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới về đóng gói chất bán dẫn tại Việt Nam, với vốn đầu tư ước tính khoảng 10 tỷ yen. Samsung có 6 nhà máy ở Thái Lan.

Một nhà máy của Samsung tại Việt Nam. 

Việt Nam – hiệu quả chi phí nội địa

Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam bỏ 31 dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm và linh kiện điện tử của Hàn Quốc, điều này cũng thúc đẩy “gã khổng lồ” bán dẫn Samsung của Hàn Quốc xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Cũng như chuỗi sản xuất được hình thành từ việc thành lập các nhà máy địa phương của các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam đã thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất điện tử lớn và đang hướng tới một cụm công nghiệp công nghệ điện tử định hướng công nghệ và thâm dụng vốn. Các công ty trong nước của Việt Nam cũng tham gia tích cực hơn vào ngành công nghiệp vi mạch, bao gồm mở rộng công suất, mua bán và sáp nhập, và có thể trở thành một phần quan trọng của thị trường bán dẫn trong tương lai.

Trong năm 2022, Samsung dự kiến đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời thử nghiệm và sản xuất đế đóng gói chất bán dẫn hiệu suất cao FC-BGA tại tỉnh Thái Nguyên, và kế hoạch sẽ chính thức bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 7/2023. 

Intel đã đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Việt Nam, đến nay nhà máy này vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng của tập đoàn Intel. Tháng 11/2021, Amkor Technology thông báo sẽ xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip thông minh mới tại tỉnh Bắc Ninh.

Trong năm nay, để giải bài toán năng lực sản xuất càng sớm càng tốt, Intel đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 475 triệu USD. Với khoản đầu tư này, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam từ năm 2006 đến nay đã lên tới 1,5 tỷ USD.

Tháng 10/2022, nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản Kyocera thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy mới về đóng gói chất bán dẫn tại Việt Nam, với vốn đầu tư ước tính khoảng 10 tỷ yen.
Với việc chọn địa điểm của Samsung, Intel tại Việt Nam, hay kế hoạch mở rộng và xây dựng mới của nhiều công ty tại Việt Nam gần đây, Việt Nam luôn được coi là nơi có nhiều xưởng đúc của các công ty bán dẫn nổi tiếng thế giới.

Tương lai ngành chip Đông Nam Á

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thị trường chất bán dẫn đã không ngừng thay đổi và việc chuyển giao ngành đã diễn ra từ châu Âu và Mỹ sang Nhật Bản và Hàn Quốc, sau đó là Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, do nhiều hạn chế, một số nước Đông Nam Á sẽ phải mất một thời gian dài để chuyển đổi từ một “quốc gia OEM” (nhà sản xuất thiết bị gốc theo đơn đặt hàng) thành một “trung tâm R&D công nghệ”.

Nhìn chung, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và ngoại thương, hệ sinh thái bán dẫn ở Đông Nam Á có tiềm năng phát triển rất lớn. Một mặt, sự phát triển đến từ tăng trưởng nội sinh của chất bán dẫn ở Đông Nam Á, mặt khác, đến từ lợi nhuận của ngành công nghệ do cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ tạo ra.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, mỗi quốc gia, khu vực đều có vị trí phù hợp nhất của mình, đó cũng là cục diện hình thành sau nhiều năm cuộc chơi. Đối với các nước Đông Nam Á muốn phát huy vai trò quan trọng hơn nữa, thì sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.

Xem thêm >> CNBC: Ấn Độ, Việt Nam hưởng lợi khi các nhà sản xuất chip rời Trung Quốc