Phía sau giấc mơ iPhone ‘Made in Vietnam’

Phía sau giấc mơ iPhone 'Made in Vietnam'

Liệu đây có phải là những tín hiệu đầu tiên của giấc mơ iPhone “Made in Việt Nam”?

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cùng những thay đổi trong bố trí chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến hàng trăm công ty công nghệ, điện tử của Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Đài Loan cấp tập đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, dần hình thành chuỗi sinh thái sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ tại các tỉnh phía Bắc.

Với việc tuyển dụng rầm rộ gần đây của Apple cho các nhân sự làm việc tại Việt Nam, giới hâm mộ sản phẩm công nghệ khấp khởi tin vào viễn cảnh một ngày nào đó sở hữu chiếc iPhone có dòng chữ bé nhỏ “Made in Vietnam”.

Việt Nam ở đâu trong chuỗi sản xuất của Apple?

Trong các báo cáo nghiên cứu gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng mỗi sản phẩm của Apple có tới trên 2.000 linh phụ kiện, do vậy số lượng các công ty cung ứng phải lên tới trên 600. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tại Trung Quốc đại lục chiếm đa số với 349, gần gấp 3 lần vị trí thứ 2 là Nhật Bản. Việt Nam cũng có tên trong bản đồ sản xuất linh phụ kiện cho Apple với 11 công ty.

Tháng 3/2020, Pegatron nhận giấy chứng nhận đầu tư tổ hợp sản xuất 35 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Trước đó, Winstron với dự án 300 triệu USD được cấp phép tại khu công nghiệp Đồng Văn 3 (Hà Nam). Với sự có mặt của các ông lớn trong sản xuất – lắp ráp iPhone này, vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm cho Apple chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể.

Vì sao iPhone không sản xuất ở Mỹ?

Sinh thời, đại thụ của Apple là S.Jobs đã thất bại trong việc dịch chuyển lắp ráp một số sản phẩm của Apple về Mỹ. Sau đó, Tổng thống Mỹ D.Trump đã thúc đẩy để Foxconn xây dựng nhà máy trong dự án đầu tư lên tới 10 tỷ USD tại bang Wiscosin để lắp ráp, sản xuất một vài dòng sản phẩm Apple. Tuy nhiên, trong tương lai gần, sản phẩm iPhone, iPad vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều.

Hiện tại, chuỗi cung ứng của Apple trên thế giới gồm Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhà cung cấp tại nhiều quốc gia khác, nhưng tỷ lệ công ty cung ứng tại Trung Quốc đại lục hiện vẫn tăng đều hàng năm. Ngoài sự gia tăng số lượng nhà cung cấp, chất lượng cũng được gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Nếu năm 2018, các doanh nghiệp cung ứng của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được 3/6 bộ phận quan trọng nhất cấu thành iPhone (gồm bảng hiển thị, bảng mạch bán dẫn, ống kính, thiết bị chức năng, khung và linh kiện thụ động), thì đến năm 2020, đã đáp ứng được 5/6 bộ phận.

Để “có được” nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở TP. Trịnh Châu với diện tích 57 km2, Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng nhà máy điện, ký túc xá cho công nhân và khoảng 10 tỷ USD nâng cấp, mở rộng sân bay (đáp ứng đặc thù sản phẩm iPhone hoàn chỉnh chủ yếu vận chuyển bằng máy bay), đồng thời giảm hàng trăm thủ tục thông quan hàng hóa đặc thù cho riêng sản phẩm iPhone.

Nhưng tất cả hạ tầng, điều kiện ưu đãi sẽ không giải quyết được vấn đề, nếu không có nguồn nhân lực dồi dào của Trung Quốc. Ước tính dự án có tới 8.700 kỹ sư và 200.000 lao động.

Theo tính toán của Apple, nếu ở Mỹ, nhanh nhất phải 10 tháng mới tuyển dụng đủ số nhân lực này, nhất là số kỹ sư đáp ứng được yêu cầu, thì tại Trung Quốc, Foxconn chỉ sau 15 ngày đã hoàn thành công tác tuyển dụng số nhân lực khổng lồ trên. Quan trọng hơn cả là, giá nhân công tại Mỹ có thể đắt gấp 3 lần tại Trung Quốc, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật cao.

Hai năm gần đây, các nhà cung ứng của Apple đầu tư nhiều hơn nhà máy sản xuất tại Đông Nam Á. Song theo tính toán của các chuyên gia Đại học Công nghệ Massachuset, nếu iPhone không được sản xuất tại Trung Quốc, chi phí sẽ cao hơn từ 40-100 USD/máy.

Chiến lược đưa iPhone ra sản xuất ngoài Trung Quốc

Ngành sản xuất tại Trung Quốc là căn cứ địa quan trọng nhất để sản xuất các dòng sản phẩm của Apple, nhưng không phải Apple không có các tính toán nhằm giảm thiểu các rủi ro khi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đột ngột bị gián đoạn.

Vài năm qua, Apple đã nỗ lực đưa một số dòng iPhone giá rẻ SE, XR sản xuất tại nhà máy của Foxconn ở TP. Chennai (Ấn Độ). Ngoài ra, theo India Times dẫn lời các quan chức Ấn Độ, khả năng trong năm 2020, iPhone 11 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ bởi các nhà máy của Foxconn và Winstron.

Việc mở rộng sản xuất các dòng iPhone không phải chủ lực tại Ấn Độ ngoài việc nhắm đến thị trường 1 tỷ dân của nước này, còn tránh các rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang có những diễn biến hết sức khó lường. Mặt khác, sản xuất iPhone tại Ấn Độ sẽ giảm được tới 22% thuế nhập khẩu nếu bán trong nước. Đây sẽ là động lực để Apple nâng cao thị phần vốn chỉ chiếm 1% tại nước này, cũng như tận dụng tốt các chính sách khuyến khích đầu tư theo chuỗi liên kết của Chính phủ Ấn Độ gần đây.

Một số chuyên gia theo dõi sản phẩm iPhone gần đây cho biết, Apple có thể đã phân chia một số công đoạn sản xuất iPhone tại Trung Quốc cho Luxshare ICT nhằm phá thế độc quyền trong sản xuất – lắp ráp iPhone vốn do 3 đại gia công nghệ Đài Loan là Foxconn, Pegatron và Winstron chiếm lĩnh hàng chục năm qua.

Luxshare là một trong 20 tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, khởi nghiệp “gia công sản phẩm Apple” từ những dòng thiết bị đơn giản nhất như tai nghe Airpods, đồng hồ Applewatch. Trong thời gian ngắn, với sự hậu thuẫn của Apple, Luxshare ngày càng lớn mạnh. Theo các chuyên gia phân tích công nghệ, Luxshare hiện hoàn toàn đủ lớn mạnh để trở thành đối tác thứ hai, ngoài Foxconn, sản xuất iPhone tại Trung Quốc cho Apple.

Trong một diễn biến gần đây, việc Pegatron và Winstron mua 0,8% và 0,16% cổ phần của Luxshare tại Trung Quốc càng làm kịch bản có nhiều hơn một nhà sản xuất iPhone tại Trung Quốc rõ rệt hơn.

Mới đây, Luxshare ồ ạt tuyển dụng nhân sự số lượng lớn cho các dự án tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An làm những người yêu thích sản phẩm “Táo khuyết” tại Việt Nam hy vọng một ngày nào đó sở hữu chiếc iPhone “Made in Vietnam”.

Thách thức của iPhone “Made in Vietnam”

Năm 2006, Việt Nam nổi lên trong Đông Nam Á với việc gia nhập WTO cùng hàng loạt chính sách mở cửa về đầu tư hấp dẫn khác. Ngay lập tức, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội dịch chuyển đầu tư. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2010 đã khiến nhiều tập đoàn công nghệ phải tái cơ cấu chiến lược đầu tư, như một sự tất yếu, làn sóng doanh nghiệp công nghệ này đã không thể lan tỏa tới Việt Nam, ngoại trừ dự án đình đám 1 tỷ USD của Intel tại TP. HCM.

Tiếp sau đó, hàng loạt ông lớn công nghệ có nhà máy tại Trung Quốc, thay vì dịch chuyển ra nước ngoài để giảm chi phí sản xuất, đã “bẻ hướng” sang các địa phương miền Tây như Thành Đô, Trùng Khánh, Côn Sơn…, để hưởng các gói chính sách được coi là “siêu ưu đãi” mà chính phủ Trung Quốc ban hành với mục đích thúc đẩy kinh tế, công nghệ khu vực này.

Đầu tháng 8 năm nay, để giữ chân các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghệ trước làn sóng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc đã ban hành gói chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nước) lên tới 10 năm cùng nhiều quy định miễn, giảm các khoản thuế, phí khác. Động thái này chắc chắn sẽ tác động rõ rệt lên kế hoạch của hàng ngàn công ty phụ trợ trong lĩnh vực công nghệ dự kiến theo các ông lớn dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Gã khổng lồ điện thoại thông minh thế giới là Samsung đã đưa vào hoạt động nhà máy tại Thái Nguyên từ năm 2014. Hiện tại, trên 50% sản lượng điện thoại của Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng mô hình, phương thức sản xuất điện thoại của Samsung và Apple có nhiều khác biệt.

Vài năm gần đây, các địa phương khu vực phía Bắc đón hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới đến đầu tư, sản xuất.

Đầu tiên là về chuỗi cung ứng, trong khi Samsung tự chủ động được phân nửa các thiết bị, linh kiện, thì Foxconn lại dựa vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Trung Quốc do các công ty từ nhiều nước cung cấp. Khi cần thiết, Samsung đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và hoàn chỉnh hệ thống sản xuất chỉ trong chưa tới 2 năm. Nhưng Foxconn không thể dịch chuyển ngay lập tức hàng trăm công ty cung ứng sang Việt Nam trong một thời gian ngắn như vậy.

Gần đây, xu thế dịch chuyển dường như mới chỉ diễn ra ở công đoạn lắp ráp và nguồn cung linh kiện chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào các công ty tại Trung Quốc. Do đó, khi có vấn đề tại nguồn cung (do đỉnh dịch Covid-19 tại Trung Quốc vào tháng 2, tháng 3/2020, hoặc xung đột biên giới Trung – Ấn trong tháng 5/2020), ít nhiều đã ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ, một số nước châu Á khác.

Vài năm gần đây, các địa phương khu vực phía Bắc đón hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới đến đầu tư, sản xuất. Tuy vậy, tác động lan tỏa để doanh nghiệp phụ trợ trong nước có cơ hội bước chân vào chuỗi cung ứng thế giới không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là ngành sản xuất và nhân lực của Việt Nam vẫn ở trình độ thấp hơn. Để khỏa lấp được khoảng cách này, cần có thời gian cũng như các chính sách đột phá về khuyến khích nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực.

Mặt khác, Samsung vừa là nhà sản xuất, vừa làm thương hiệu sản phẩm để bán hàng, nên không khó ra quyết sách dịch chuyển địa điểm sản xuất nhằm tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và phù hợp với thực tế. Còn Foxconn chỉ thuần túy làm nhiệm vụ gia công, sản xuất, mọi “chỉ định” về sản xuất đơn hàng ở đâu phụ thuộc nhiều vào những khách hàng như Apple, Microsoft, Huawei, Oppo…

Trong bối cảnh diễn biến thương chiến Mỹ – Trung còn phức tạp, nhiều thương hiệu điện thoại, công nghệ lớn đã có những điều chỉnh về chiến lược sản xuất theo hướng phân tán rủi ro sang các nước Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nhưng để hiện thực hóa được khát vọng iPhone “Made in Vietnam”, cần phải giải quyết được tất cả vấn đề nêu trên, trước mắt vẫn còn là một chặng đường dài mà đòi hỏi tất cả các bên đều phải có thay đổi.