Phát triển doanh nghiệp số để tạo ra lực lượng tiên phong chuyển đổi số

Phát triển doanh nghiệp số để tạo ra lực lượng tiên phong chuyển đổi số

Ngày 14/4, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022 (Vietnam – ASIA DX Summit 2022).

Với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số”, diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Asia 2022 sẽ được Vinasa phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào 2 ngày 24-25/5.

Chương trình năm nay sẽ được mở rộng quy mô khu vực với dự kiến có các phiên chuyên đề chuyên sâu của tổ chức doanh nghiệp từ các nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc, Nhật Bản… dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của hơn 3.000 lượt đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 10.000 lượt đại biểu theo dõi trực tuyến. 

Năm 2021, đại dịch bùng phát mạnh mẽ, nhiều đợt trên toàn quốc, các chỉ tiêu kinh tế xã hội bị ảnh hưởng. GDP tăng trưởng 2,59% chỉ bằng một nửa so với dự báo, gần 55.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Các tổ chức, doanh nghiệp đều cho thấy sức đề kháng rất yếu và rất dễ bị tổn thương. Hầu hết là các tổ chức, doanh nghiệp chưa chuẩn bị, chưa chủ động sẵn sàng chuyển đổi số dù đã có cả năm 2020 để thích ứng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 2020 và 2021 là 2 năm nhà nước khởi động, phát động chuyển đổi số. Còn năm 2022 sẽ là năm tăng tốc chuyển đổi số làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, trên 95% các địa phương đã ban hành nghị quyết hay kế hoạch hay chương trình về chuyển đổi số (chỉ còn lại 3 địa phương là chưa có bất kỳ).

Ngoài 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), lần đầu tiên Vietnam – Asia DX Summit sẽ thêm 1 chuyên đề lớn đó là phát triển doanh nghiệp số với 5 phiên hội thảo chuyên sâu. Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số sẽ tạo ra lực lượng tiên phong, các điển hình dẫn dắt, giúp tăng tốc tiến trình chuyển đổi số.

Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa kỳ vọng diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Asia 2022 sẽ tập hợp được nhiều nhất các nguồn lực có thể từ khối nhà nước, khối tư nhân đến khối các tổ chức quốc tế, từ doanh nhân, đội ngũ công nghệ thông tin đến các chuyên gia, từ kinh nghiệm đến nguồn lực tài chính để tăng tốc chuyển đổi số.

“Các nguồn lực và đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số cần ngồi cùng nhau, hợp tác, liên kết cùng nhau, phân định rõ vai trò để tạo ra những hệ sinh thái số hoàn chỉnh, phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch Vinasa nhấn mạnh.