Nhà mạng bán SIM rác sẽ bị đình chỉ phát triển thuê bao mới

Cục Viễn thông vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá có thông tin thuê bao đúng quy định.

Theo Cục Viễn thông, quy định này nhằm tiến tới chuẩn hóa các thông tin thuê bao, giảm tình trạng sử dụng “SIM rác” để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp trực tiếp uỷ quyền) theo từng tỉnh, thành phố.

Cơ quan này cũng yêu cầu các nhà mạng tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung có liên quan tới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhân viên trực tiếp thực hiện đăng ký, phát triển, chuẩn hoá thông tin thuê bao, bảo đảm tất cả các thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá lại, phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.

Cục Viễn thông cũng cho biết sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới.

Cục Viễn thông cho biết với các trường hợp nhà mạng vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Nhất là với các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao 2 đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao.

Theo nghị định 49 trong lĩnh vực viễn thông di động từ năm 2017, thuê bao di động phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung. Từ tháng 8/2022, thuê bao mới phải xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên thực tế, thị trường hiện vẫn tồn tại các loại SIM đã kích hoạt với thông tin không chính chủ, thường được gọi là SIM rác.

Những SIM rác này được sinh ra do nhiều người đăng ký một lượng lớn SIM, sau đó bán cho người khác mà không quan tâm đến mục đích sử dụng của họ. Trong khi đó, tại các nhà mạng, không ít nhân viên kinh doanh dưới áp lực doanh số đã tự ý kích hoạt SIM với thông tin có sẵn.

Năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast).

Quá trình kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện nhiều doanh nghiệp bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều SIM.

Đặc biệt, quá trình kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện một số cá nhân đăng ký tới hàng nghìn SIM, đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng SIM không chính chủ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; để cho đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhau mượn tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số tiền phạt là xấp xỉ 3 tỷ đồng, trong đó xử phạt doanh nghiệp viễn thông và các chi nhánh 1 tỷ 155 triệu, gần tương đương tổng mức xử phạt trong 5 năm qua, từ năm 2017 (1.378 triệu). Đặc biệt trước đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hầu như không xử phạt các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông uỷ quyền, nhưng lần này đã xử phạt là 1 tỷ 770 triệu.

Hiện tại, Việt Nam hiện có khoảng 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và Mobifone.