Ngành công nghệ 2022: Éo le ‘kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra’

Bên tăng trưởng bằng lần

Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp công nghệ vẫn “sống khỏe” cùng các kết quả kinh doanh công bố đầy tích cực. Có thể thấy, nhóm công ty liên quan đến công nghệ – viễn thông, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống ghi nhận hoạt động khả quan nhờ xu thế chuyển đổi số mạnh trong doanh nghiệp, Chính phủ…

“Anh cả” trong làng công nghệ có thể kể đến đầu tiên là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với mức tăng trưởng 6,1%. Trong năm 2022, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 163.800 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp vào tăng trưởng toàn diện của tập đoàn này đến từ tất cả các lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số, và sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Mức tăng trưởng doanh thu 6,1% đem lại cho Viettel lợi nhuận trước thuế lên tới 43.100 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng tương đương đóng góp năm 2019 – trước đại dịch Covid của tập đoàn. Nguồn doanh thu chủ lực từ viễn thông được Viettel duy trì khi tiếp tục giữ vững với 54% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông Viettel bằng 1,5 lần trung bình ngành trên thế giới.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng), tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông. Đặc biệt, nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 của Viettel lên tới gần 500 triệu USD – cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.

Thành viên khác của Tập đoàn Viettel cũng có kết quả kinh doanh năm 2022 đầy ấn tượng là Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI). Theo đó, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2022 của Viettel Global ghi nhận mức doanh thu cũng như lợi nhuận trước thuế đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, doanh thu lũy kế cả năm 2022 của Viettel Global đạt hơn 23.700 tỷ đồng, tăng gần 4.500 tỷ, tương ứng tăng 23,4% so với mức 19.200 tỷ đồng của năm 2021. Doanh thu tăng cao trong khi giá vốn tăng thêm không đáng kể, đưa lợi nhuận gộp của Viettel Global tăng gần 4.400 tỷ lên 11.540 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp cao kỷ lục 48,6%, tức cứ 2 đồng doanh thu thì Viettel Global lãi gộp gần 1 đồng.

Trừ đi chi phí tài chính, Viettel Global đạt lợi nhuận hoạt động tài chính ròng dương gần 1.000 tỷ đồng. Còn lợi nhuận từ công ty liên kết cũng tăng hơn 2.100 tỷ lên 283 tỷ đồng. Nhờ vậy, dù tăng trích lập dự phòng phải thu, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Viettel Global vẫn tăng gấp hơn 3 lần từ 880 tỷ lên 3.021 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận năm của Viettel Global vượt mức 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.549 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 860 tỷ đồng.

“Ông lớn” công nghệ khác có mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2022 là Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT). Theo đó, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% mục tiêu lợi nhuận.

Một doanh nghiệp công nghệ khác cũng có kết quả kinh doanh đầy ấn tượng trong năm 2022 có thể kể đến là Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG). Kết quả kinh doanh 9 tháng năm tài chính 2022 (từ 1/4 – 31/12) của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh doanh quốc tế khi doanh thu tăng trưởng 75% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 6.239 tỷ đồng, vượt 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 416 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. CMC dự kiến năm tài chính 2022 (kết thúc vào 31/3/2023) sẽ đạt mức doanh thu thuần là 8.600 tỷ đồng, vượt 24% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên không đạt kế hoạch

Trái ngược với nhóm doanh nghiệp kể trên, nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng có một năm 2022 đáng quên vì không thể đạt được kế hoạch đề ra. Chẳng hạn như với Tổng công ty Viễn thông Mobifone khi doanh thu và lợi nhuận đều đi xuống, trong đó lãi trước thuế giảm hơn 2.000 tỷ đồng.

Năm 2022, Mobifone đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 31.366 tỷ đồng, chỉ tăng xấp xỉ 4,5% so với thực hiện năm 2021. Còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn 440 tỷ đồng, xuống còn 4.310 tỷ. Dù đặt kế hoạch thận trọng nhưng vẫn không thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh này. Theo đó, nhà mạng dự kiến doanh thu công ty mẹ chỉ đạt 28.329 tỷ (tương đương 90% kế hoạch). Lãi trước thuế của công ty 2.713 tỷ, xấp xỉ 63% kế hoạch và giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Kết quả lợi nhuận năm 2022 là thấp nhất trong 5 năm gần đây của Mobifone.

Tương tự Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng không đạt tăng trưởng doanh thu như kế hoạch, khi hoàn thành 97% kế hoạch (đạt 55.209 tỷ đồng), nhưng vẫn tăng 2% so với năm ngoái. Dẫu vậy, VNPT vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận 4,6% (đạt 6.629 tỷ đồng).

Một doanh nghiệp công nghệ khác dù có mức doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm nghiêm trọng là Công ty Cổ phần Công nghệ – Viễn thông Elcom (HoSE: ELC). Theo đó, ELC ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2022 đạt 238 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy, lợi nhuận gộp của ELC lại giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước ở mức gần 29,8 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, ELC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 863 tỷ đồng, tăng 31% và 37 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2021.

Lý giải về kết quả kinh doanh năm qua, đại diện 2 nhà mạng Mobifone và VNPT đều có chung đánh giá trong các phương án kinh doanh, dù có dự báo những khó khăn, thậm chí cả rủi ro, nhưng vẫn chưa thể lường tới những bất ổn, căng thẳng chính trị, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, như thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ giá leo thang… Ngoài đối mặt với thách thức chung, các doanh nghiệp viễn thông trong nước còn đối mặt với một số vấn đề nội tại là thị trường viễn thông tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh về giá. Cụ thể, các nhà mạng Việt Nam đang trải qua sự tăng trưởng nhanh doanh thu về dữ liệu (data) và dịch vụ số, trong khi doanh thu dịch vụ truyền thống giảm dần.

Còn phía ELC thì lý giải rằng do biến động lãi suất cho vay và giá trị nhân công, vật tư hàng hóa, thiết bị tăng mạnh dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm. Hợp nhất lợi nhuận sau thuế quý IV và cả năm 2022 của ELC giảm so với cùng kỳ năm 2021 do kết quả kinh doanh của các công ty con trong năm 2022 giảm vì phải chịu hệ lụy nặng nề từ dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới toàn công ty.