‘Mở bát’ đầu năm, FPT mua lại mảng dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp Mỹ

Đại diện FPT cho biết mối liên kết của 2 bên khởi đầu từ khoản đầu tư của doanh nghiệp này vào Intertec International năm 2021. Năm 2023, cùng với thương vụ này, FPT cũng mở rộng hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.

“Cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp 2 bên đảm bảo đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới và khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh”, đại diện FPT nói.

Còn theo Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, mỗi thương vụ M&A đều mang đến những “quả ngọt” cho FPT. Ông Bình kỳ vọng thương vụ M&A này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh.

Được biết, Mỹ là 1 trong 2 thị trường lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT Americas đã tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ 2017 đến 2022.

Từ năm 2014, FPT đã thực hiện M&A với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Năm 2018, FPT tiếp tục mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Đại diện FPT nhấn mạnh các thương vụ M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp này. Dó cũng là lý do giúp FPT đạt mức doanh số ký mới 1 tỷ USD tại thị trường nước ngoài trong năm 2022.

Năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% lợi nhuận.