MeiVentures và DTS hợp tác ra mắt BIC – vườn ươm startup công nghệ Việt

Những năm gần đây, khởi nghiệp là chủ đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt startup trong lĩnh vực công nghệ chiếm số lượng lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết những ý tưởng và sản phẩm của nhà khởi nghiệp chỉ mới đang dừng ở bước đầu, đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn của người dùng. Vì vậy, các startup cần có nguồn lực về tài chính, nhân sự và chiến lược phát triển trong dài hạn.

Nhìn nhận ra được những vấn đề mà các startup hiện nay còn thiếu, quỹ đầu tư MeiVentures và Liên minh Chuyển đổi số DTS đã hợp tác cùng sáng lập và đầu tư vào BIC, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).

BIC là mô hình vườn ươm khởi nghiệp cho các startup trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam với nguồn vốn ban đầu là 15 triệu USD.

Lễ công bố hợp tác và ra mắt BIC ngày 19/10.

BIC mang sứ mệnh hỗ trợ các startup công nghệ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo và đồng hành cùng startup biến các ý tưởng thành hiện thực thông qua việc cung cấp nguồn vốn, tư vấn chiến lược phát triển, kết nối cơ hội hợp tác với các đơn vị các nhà đầu tư trong và ngoài nước. BIC tạo bệ phóng thúc đẩy sự phát triển của các startup công nghệ tại Việt Nam.

Tại lễ ký kết, ông Leon Trương – Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS chia sẻ, trong suốt quá trình hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. DTS đã nhận thấy doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở hạ tầng, lực lượng triển khai… Vì vậy, Liên minh Chuyển đổi số DTS quyết định thành lập BIC nhằm hỗ trợ và bổ sung nguồn lực cần thiết phục vụ chuyển đổi số nhanh hơn, đáp ứng xu thế trong bình thường mới.

Liên minh DTS phối hợp cùng MeiVentures đưa ra các dự án của startup có tiềm năng thúc đẩy chuyển đổi số cao tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài. MeiVentures là “cánh tay nối dài” của DTS đến với các nhà đầu tư quốc tế, mảnh ghép còn thiếu nhằm bổ sung nguồn lực cần thiết cho DTS.

“BIC ra đời với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận nguồn lực để giải quyết vấn đề khó khăn, phục hồi sau Covid-19 và phát triển bền vững”, theo ông Leon Trương.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch VECOM cho biết, vườn ươm khởi nghiệp BIC sẽ hợp tác cùng VECOM hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp startup trong ngành thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch VECOM.

“BIC chính là vườn ươm trợ lực cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam vươn ra thế giới. VECOM sẽ hỗ trợ DTS và MeiVentures xây dựng định hướng để tạo ra vườn ươm đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp Việt”, ông Dũng cho hay.

Bà Mai Linh – Tổng giám đốc MeiVentures cho biết, hiện nay rất nhiều startup đang tập trung phát triển công nghệ và xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm thông minh ứng dụng blockchain. Vì vậy, quỹ đầu tư toàn cầu MeiVentures hướng đến mục tiêu đầu tư cho các startup trong lĩnh vực này với quy mô từ 1 – 5 triệu USD.

Bà Mai Linh – Tổng giám đốc MeiVentures.

“MeiVentures sẽ phối hợp cùng Liên minh DTS hỗ trợ startup Việt tiếp cận các quỹ ngoại và các chuyên gia trên toàn thế giới”, bà Mai Linh nói.

BIC định hướng trở thành vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực cho các startup trong lĩnh vực công nghệ. BIC đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ các startup không chỉ về nguồn vốn mà còn trong việc vận hành và phát triển doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Khánh – Tổng giám đốc BIC cho biết, BIC bao gồm các cá nhân tài năng và dày dặn kinh nghiệm trong các lĩnh vực đầu tư, công nghệ, blockchain, thương mại điện tử, logistics, sales, marketing và giữ các vị trí trọng yếu tại các doanh nghiệp danh tiếng tại Việt Nam và trên thế giới.

Ông Trương Gia Khánh – Tổng giám đốc BIC.

Vườn ươm BIC tập trung tìm kiếm và đầu tư vào những startup công nghệ, blockchain và chuyển đổi số. BIC cũng sẽ kết nối nhà đầu tư với startup để đầu tư nguồn vốn, tư vấn chiến lược và hỗ trợ phát triển hướng tới mục tiêu tạo cầu nối giữa các startup Việt Nam và nhà đầu tư trên toàn cầu, mang đến cho nhà đầu tư cơ hội biết đến và hợp tác với các startup tiềm năng trong giai đoạn sớm.

Theo đó, để nhận đầu tư, các startup sẽ trải qua 6 bước đánh giá và kiểm định từ đội ngũ chuyên môn của BIC. Mô hình mà BIC áp dụng được gọi là “3 đồng hành” gồm: tìm kiếm, quy tụ, phân tích đánh giá và chọn lọc ý tưởng, dự án khả thi, ưu tiên các ý tưởng đã tham dự các cuộc thi sáng tạo và các ý tưởng đã và đang triển khai; bố trí đội ngũ mentor phù hợp để giúp gọt giũa, hoàn thiện dự án và tiến hành đầu tư ở vòng ban đầu; đồng hành cùng phát triển và kết nối startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khác trong và ngoài nước để hỗ trợ startup trong các vòng gọi vốn tiếp theo.

Hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh BIC đặt ra, Liên minh Chuyển đổi số DTS, quỹ đầu tư MeiVentures cùng những chuyên gia, những người tiên phong đã có kinh nghiệm lâu năm sẽ đồng hành trong việc vận hành doanh nghiệp, công nghệ, chuyển đổi số tại Việt Nam phát triển BIC.

Vườn ươm doanh nghiệp BIC cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, kết nối và hỗ trợ cho các startup công nghệ tại Việt Nam có đầy đủ nguồn lực để phát triển lâu dài, lớn mạnh hơn nữa và tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế.