Masan chi gần 300 tỷ đồng mua lại nhà khai thác mạng di động ảo Mobicast

Phía Masan cho biết The Sherpa đã mua lại 70% cổ phần Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng.

Mobicast được thành lập vào năm 2016 và chính thức nhận được giấy phép vận hành mạng di động ảo vào năm 2019 với thương hiệu tiêu dùng Reddi.

Được biết, các mạng di động ảo như Reddi cung cấp dịch vụ di động tuy nhiên không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông. Do đó các đơn vị này sẽ hợp tác với các nhà khai thác mạng di động truyền thống để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn dựa trên phổ tần sóng điện từ cùng với cơ sở hạ tầng mạng di động của các nhà mạng truyền thống để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người tiêu dùng.

Mạng di động ảo hiện là mô hình kinh doanh viễn thông phổ biến trên thế giới, trong đó tại Anh thì gần 20% thị phần trong tổng thị trường di động thuộc về các nhà mạng di động ảo.

Việc kết hợp với Masan sẽ giúp Reddi được tiếp cận độc quyền với tệp khách hàng của tập đoàn này, giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và có thể tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số và nên tảng trải nghiệm khách hàng cho người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.

Về phía Masan, tập đoàn này hiện đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank, Phúc Long và cần có giải pháp tích hợp sản phẩm và dịch số vào nền tảng tiêu dùng.

Masan cho biết việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để tập đoàn số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”, xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị cho người tiêu dùng.

Tổng giám đốc Masan, ông Danny Le cho biết: “Tầm nhìn của Masan là xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online nhằm phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, có tần suất sử dụng hàng ngày cho 50 triệu người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025. Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa ‘Point of Life’, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất”.