Kinh tế số Việt Nam sắp đạt 49 tỷ USD, 70% doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu

Ngày 16/12, tại TP. HCM, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) – Bộ Công Thương đã tổ chức diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số công thương”. Tại chương trình, đại diện Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia đã đánh giá thực trạng việc chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, có hơn 92% doanh nghiệp Việt Nam có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để chuyển đổi số còn chưa cao. Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.

Tại sự kiện, đại diện Cục TMĐT và KTS, doanh nghiệp và chuyên gia đã đánh giá thực trạng CĐS hiện nay

Sách trắng thương mại điện tử 2022, do Cục TMĐT và KTS công bố, cho thấy với việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử chỉ có 14% doanh nghiệp đánh giá rất quan trọng; 11% doanh nghiệp đánh giá rất hiệu quả và có đến 90% doanh nghiệp được khảo sát vừa đứng “ngoài cuộc” CMCN 4.0 vừa chưa thực sự có lộ trình chuyển đổi số toàn diện.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số – Cục TMĐT và KTS, mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Những hạn chế, khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số bao gồm: hạn chế về nhận thức và nhân lực triển khai; hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường; hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số; hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thức đẩy chuyển đổi số, trong đó có: chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán, hạ tầng kết nối.

Ghi nhận nhiều doanh nghiệp hiện chưa nhận định được lợi ích của việc chuyển đổi số, đại diện Cục TMĐT và KTS cho biết, sẽ có thêm một kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành Công Thương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cùng một số đơn vị xây dựng mô hình hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương, dự kiến sẽ được ra mắt vào quý III/2023.

Hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương sẽ giúp thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, đồng thời tiếp cận công cụ chuyển đổi số từ bước tư vấn thực trạng doanh nghiệp, khả năng chuyển đổi số đến các combo giải pháp công nghệ.

Mô hình này sẽ được xây dựng theo 7 tiêu chí: đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; đánh giá tín nhiệm các giải pháp công nghệ; xây dựng mạng lưới chuyên gia đào tạo chuyển đổi số; mở các lớp đào tạo kết hợp truyền thông; xây dựng cẩm nang chuyển đổi số; tổ chức các sự kiện, cuộc thi; và áp dụng 5 nhóm giải pháp công nghệ (quản trị vận hàng, bán hàng tiếp thị, vận chuyển, thanh toán tài chính, đào tạo và truyền thông)

Các DN được tư vấn nhiều giải pháp CĐS

Từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã được Chính phủ rất quan tâm thực hiện hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ nguồn ngân sách nhà nước. Nếu kết hợp với chính sách mới, theo mô hình sinh thái chuyển đổi số của ngành công thương sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vươn lên, tạo sự bứt phá nhờ hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ.