Khai trương website Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho biết theo khảo sát sơ bộ của VECOM, tới giữa năm 2022 đã có tới 32 trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT. Hiện nay một số trường đang chuẩn bị các nguồn lực cần thiết và hoàn tất thủ tục để có thể đào tạo cử nhân ngành này. Với xu hướng đó, tới năm 2025, số trường đại học trên cả nước đào tạo cử nhân TMĐT có thể cao hơn 40 trường.

Đồng thời, số trường đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành gắn bó mật thiết với TMĐT cũng tăng nhanh, bao gồm tiếp thị số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống thông tin quản lý, thương mại quốc tế, du lịch.

Nhu cầu hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học… giữa các trường trong lĩnh vực này ngày càng cao. Mặt khác, việc gắn đào tạo với thực tiễn không thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự  hợp tác giữa các trường với các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu. Do đó, nhiều trường đại học và VECOM cùng khởi xướng thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT.

Bước đầu, VECOM đã dự thảo Quy chế hoạt động của Mạng lưới và gửi công văn tới nhiều trường đề nghị góp ý. VECOM đã cử đoàn công tác tới một số trường đại học hoặc tổ chức các cuộc trao đổi trực tuyến để trao đổi cụ thể về các nội dung của Quy chế, bao gồm tổ chức, nội dung hoạt động…

Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai trương website của Mạng lưới www.vecomnet.vn
Ảnh: Thế Lợi

Tháng 5/2022, Đoàn đã làm việc tại các trường Đại học Hoa Sen, Đại học Mở TP. HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghiệp và Đại học Nguyễn Tất Thành. Đại diện lãnh đạo nhà trường hoặc lãnh đạo các khoa đào tạo cử nhân TMĐT đã đón tiếp nhiệt tình và đóng góp nhiều nội dung cụ thể cho dự thảo Quy chế.

Tới tháng 8/2022, đã có 28 trường đào tạo ngành thương mại điện tử đã cùng VECOM thành lập Mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo TMĐT. Các thành viên sáng lập Mạng lưới tích cực tổ chức hội thảo khoa học lần đầu tiên chuyên sâu về đào tạo TMĐT vào ngày 07/9/2022 tại Hà Nội và ngày 09/9/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 và 2022, nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học.

Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra hai mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT. Mục tiêu thứ hai là một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Ảnh: Thế Lợi

Với mong muốn góp phần vào việc đạt được hai mục tiêu trên và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên của mình với các trường đại học trên cả nước, năm 2022 VECOM tiến hành khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường đại học và xây dựng Báo cáo Đào tạo TMĐT.

Báo cáo cho thấy những bước tiến rất lớn của lĩnh vực này trong những năm gần đây. Số trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học (mã ngành 7340122) liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường. Có gần 40 trường đại học đã đào tạo chuyên ngành TMĐT, phân bố chủ yếu ở khu vực Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.

Có 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số, tài chính – ngân hàng, công nghệ tài chính (fintech), logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại hay du lịch, v.v… 

Chương trình đào tạo thương mại điện tử càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Infomation Technology and Telecomunication – ICT).

Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa kinh tế – thương mại giảng dạy ngành này; chương trình đào tạo, học liệu, nghiên cứu khoa học, thực tập – kiến tập và hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo TMĐT, v.v… Đội ngũ giảng viên TMĐT đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Tuy có những bước tiến lớn như trên nhưng các trường đại học còn nhiều thử thách cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.