Gần 1 triệu thuê bao Mobile Money của Viettel phát sinh giao dịch

Với số thuê bao Mobile Money hiện có, Viettel đang là nhà mạng dẫn đầu trong số 3 nhà mạng triển khai dịch vụ Mobile Money (theo công bố hồi tháng 5 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước đã có gần 1,1 triệu thuê bao Mobile Money).

Để thúc đẩy thuê bao Mobile Money, Viettel đang đẩy mạnh phát triển mô hình chợ công nghệ mới (chợ 4.0). Theo đó, Viettel phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) triển khai chợ 4.0 tại Chợ trung tâm Đại Từ trên nền tảng ứng dụng Viettel Money.

Sau hơn 1 tháng triển khai, chợ 4.0 tại Đại Từ đã có hơn 300 tiểu thương mở tài khoản, qua đó giúp người dân và tiểu thương mua, bán không dùng tiền mặt tiện lợi, an toàn. 

Tính đến nay, trên cả nước đã có hơn 120 chợ truyền thống nâng cấp lên thành “chợ 4.0”. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Viettel và Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai mô hình chợ 4.0 tới 63 tỉnh thành thông qua hệ sinh thái thương mại tài chính số Viettel Money.

Viettel kỳ vọng con số trên 120 chợ tại 63 tỉnh thành thành sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân, phủ sóng đến cả những nơi buôn bán nhỏ lẻ như cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh, khu vui chơi, tụ điểm ăn uống… Không còn khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ, người dân từ thành thị đến nông thôn đều có thể dễ dàng kết nối, trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại.

Hiện nay, Mobile Money được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy dịch vụ tài chính đến mọi người dân, đặc biệt hướng tới tệp khách hàng ở những khu vực còn khó khăn, chưa tiếp cận toàn diện với tài chính ngân hàng.

Song song, Mobile Money còn đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số người đăng ký và sử dụng dịch Mobile Money đến nay đã vượt 1,1 triệu khách hàng. Trong đó, số lượng người dùng thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đạt 660.000 người, chiếm hơn 60%.

Cả nước ghi nhận 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money. Khoảng 900 điểm nằm ở những khu vực gặp khó khăn về hạ tầng, địa lý, chiếm 30%.

Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 12.800 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục. Tổng giá trị giao dịch trong suốt thời gian thí điểm của 3 nhà mạng vượt 370 tỷ đồng, tổng số lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị.