Công nghệ tuần qua: CEO Nguyễn Tử Quảng rút đơn kiện người vu khống Bkav, tạm biệt laptop Toshiba

Công nghệ tuần qua: CEO Nguyễn Tử Quảng rút đơn kiện người vu khống Bkav, tạm biệt laptop Toshiba

CEO Bkav: ‘Ông Trump cấm TikTok, WeChat là công bằng’

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm TikTok và sắp tới có thể là cả WeChat là điều công bằng.

Theo ông Quảng, sở dĩ nói công bằng là vì Google và FaceBook cũng không “có cửa” ở Trung Quốc hàng chục năm qua.

Theo nhận định của CEO Bkav, người Mỹ hiện không còn chơi theo kiểu “đại ca” nữa. Họ đã thực dụng hơn với những lợi ích trước mắt và nó phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay.

Đây là một trong những lần hiếm hoi ông Nguyễn Tử Quảng nói về chính trị thế giới. CEO Bkav nổi tiếng hơn bởi các phát ngôn gây tranh cãi trong giới công nghệ, đặc biệt là các phát ngôn liên quan đến sản phẩm Bphone do Bkav sản xuất.

Trước đó, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 đã chính thức ký sắc lệnh hành pháp cấm tất cả giao dịch với 2 công ty Trung Quốc là ByteDance (sở hữu ứng dụng TikTok) và Tencent (sở hữu ứng dụng WeChat).

Cụ thể, sắc lệnh nêu rõ mọi cá nhân hoặc tài sản nằm trong quyền xét xử của Mỹ sẽ bị cấm giao dịch với Tencent và ByteDance. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau khi sắc lệnh hành pháp được ban hành 45 ngày.

Trong sắc lệnh, ông Trump nhấn mạnh TikTok có thể được sử dụng cho các chiến dịch gieo rắc thông tin sai lệch của Trung Quốc nên Mỹ “phải hành động cứng rắn để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Về Wechat, ông Trump cho rằng ứng dụng này “tự động thu thập lượng lớn thông tin của người dùng. Việc thu thập dữ liệu này giúp Bắc Kinh truy cập thông tin độc quyền và dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ”. (Xem thêm)

Toshiba chính thức ngừng sản xuất và kinh doanh máy tính

Theo The Verge, Toshiba đã chính thức rời bỏ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh máy tính sau 35 năm bằng việc chuyển nhượng số cổ phần ít ỏi còn lại trong mảng kinh doanh máy tính cho Sharp.

Trước đó vào năm 2018, Toshiba đã bán 80,1% cổ phần mảng kinh doanh máy tính của Toshiba Client Solutions cho Sharp với giá 36 triệu USD. Sharp sau đó cũng đổi tên mảng kinh doanh này thành Dynabook.

Đến tháng 6/2020, Sharp tiếp tục thực hiện quyền mua 19,1% cổ phần còn lại và vào ngày 4/8, Toshiba tuyên bố thương vụ đã hoàn tất và tuyên bố Sharp sẽ hoàn toàn sở hữu công ty con Dynabook.

Toshiba là nhà sản xuất máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới giới vào năm 1985 với model T1100. Ngoài pin tích hợp bên trong, máy còn có ổ đĩa mềm 3,5 inch và bộ nhớ RAM là 256 kB. Máy khi đó được bán với giá 2.000 USD.

Hãng cũng đã từng là một trong những nhà sản xuất máy tính hàng đầu trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn khác cộng với việc không theo kịp những công nghệ mới đã khiến mảng laptop của Toshiba dần trở nên tụt dốc.

Theo Reuters, vào thời điểm bán cổ phần cho Sharp, thị phần của Toshiba trên thị trường máy tính đã giảm từ mức đỉnh điểm 17,7 triệu chiếc được bán vào năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 1,4 triệu chiếc vào năm 2017. (Xem thêm)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Nếu VNPT tái sinh thì sẽ trở thành công ty viễn thông trẻ nhất’

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, VNPT là công ty viễn thông lâu đời nhất tại Việt Nam nên đổi mới sẽ khó khăn nhất. Nhưng doanh nghiệp khác con người ở chỗ có thể tái sinh. Do đó, nếu VNPT có thể tái sinh thì sẽ công ty viễn thông trẻ nhất.

Tại buổi làm việc Bộ TT&TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng một doanh nghiệp chỉ có thể trường tồn khi có khả năng tái sinh. Bởi vậy, câu chuyện tái sinh của VNPT là câu chuyện có ý nghĩa sống còn.

“VNPT đang trên con đường tái sinh mình. Nhưng các đồng chí cần nhận thức đây là sự tái sinh, không chỉ là tái cấu trúc. Trong sự tái sinh này, mô hình tổ chức chỉ là công cụ, nó thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh, có thể hôm qua đúng nhưng hôm nay cần làm ngược lại”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng để “tái sinh” thành công, VNPT cần phải lấy sứ mệnh của đất nước làm sứ mệnh của mình.

“Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải có lợi nhuận. Lợi nhuận là phép đo hiệu quả. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Sau lợi nhuận là sứ mệnh. Sứ mệnh trước dân tộc mình. Sứ mệnh góp phần giúp Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số. Sứ mệnh đầu tư hạ tầng trước để Việt Nam bứt phá vươn lên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, việc tổ chức lại VNPT là sự chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông thành doanh nghiệp công nghệ số. Cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ tông tin và dịch vụ số trên cùng một hạ tầng, cùng một nền tảng, cùng một nguồn nhân lực. Công nghệ viễn thông chuyển thành công nghệ thông tin, rồi công nghệ thông tin chuyển thành công nghệ số. 

“VNPT muốn tạo hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, muốn tham gia dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia thì đầu tiên VNPT phải chuyển đổi số cho chính mình. Khó nhất của chuyển đổi số là thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh, thay đổi tổ chức, con người và quy trình, sáng tạo dịch vụ mới trên nền tảng số”, người đứng đầu Bộ TT&TT nhận định. (Xem thêm)

Diễn biến mới nhất vụ Bkav khởi kiện những người ‘ném đá’ Bphone

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng vừa đưa ra thông báo mới nhất về diễn biến của vụ việc tập đoàn công nghệ này tiến hành khởi kiện các cá nhân đưa tin sai sự thật, ‘ném đá’ đối với sản phẩm Bphone và cá nhân ông Quảng.

Theo đó, ông Quảng cho biết công ty luật đại diện của Bkav đã tiến hành lập vi bằng (ghi nhận hành vi được làm chứng cứ trong xét xử) với một số trường hợp, trong đó có anh B.A (người sáng lập diễn đàn HDVietnam).

“Từ 2015 đến nay, B.A đã liên tục vu khống Bkav, xúc phạm cá nhân tôi qua những bài viết của mình được đăng lên diễn đàn HDVietnam và Facebook cá nhân. Điển hình là việc vu khống Bphone là sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc; hay sản xuất Bphone là dùng ‘tiền nhà nước’, xây dựng phim trường nhà máy, giải ngân vài chục tỷ đồng mỗi năm”, ông Quảng cho hay.

Cũng theo ông Quảng, Bkav đã tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý theo trình tự, cung cấp cho cơ quan chức năng các bằng chứng về các bản quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế kiểu dáng, cơ khí các phiên bản…

Kèm theo đó là các hợp đồng xây dựng nhà máy Bphone, hợp đồng gia công khuôn mẫu, hợp đồng gia công điện tử, hợp đồng gia công cơ khí; hợp đồng mua bán linh kiện (bao gồm hợp đồng, tờ khai hải quan); hợp đồng license với Qualcomm; quá trình hợp quy dây chuyền sản xuất…

“Cá nhân B.A sau đó đã được cơ quan chức năng mời lên làm việc và đã nhận thấy còn nhiều thiếu sót, nhận định không chính xác về Bphone và đưa những cảm nhận cá nhân chủ quan về đường lối phát triển của Bphone, cũng như cách vận hành phát triển sản phẩm của tôi, gây hiểu nhầm, tổn thất cho Bkav, cũng như danh dự của cá nhân tôi”, CEO Bkav thuật lại.

Ông Quảng cho biết thêm, cá nhân B.A cũng mong muốn Bkav rút đơn kiện và sẽ đăng bài xin lỗi, đính chính, xóa các bài viết vu khống của mình. Do đó, ông Quảng đã chấp nhận lời xin lỗi của B.A và sẽ rút đơn kiện.

“Tôi thấy việc chúng tôi làm Bphone là muốn xây dựng ngành công nghệ của Việt Nam phát triển. Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu điều đó và có đủ thông tin để đưa ra những nhận định chính xác. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng và chúng ta đang sở hữu công nghệ lõi, tôi mong chúng ta sẽ cùng đồng lòng để tận dụng thời cơ đang đến”, ông Quảng nói thêm.

Ngoài B.A, lãnh đạo Bkav cho biết công ty luật đại diện của doanh nghiệp này cũng đã tiến hành lập vi bằng đối với nhiều đối tượng khác.

“Chúng tôi quyết tâm làm việc này cũng là một cách bảo vệ sự trong sạch của môi trường không gian mạng. Giờ đây mọi phát ngôn trên không gian mạng cũng đều có giá trị như phát ngôn ngoài đời nhờ những quy định, điều luật cụ thể. Vì vậy, hãy cẩn trọng hơn trong những phát ngôn của mình trên mạng”, CEO Bkav nhấn mạnh. (Xem thêm)

Vingroup sẽ xuất khẩu linh kiện sản xuất máy thở sang Mỹ và Ireland

Ngày 12/8, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (Tập đoàn Vingroup) công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với Medtronic PLC về việc sản xuất linh kiện cho máy thở của Medtronic.

Medtronic PLC là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về giải pháp, dịch vụ và công nghệ y tế, chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp chăm sóc sức khỏe trên 150 quốc gia. Sản phẩm máy thở của Medtronic được xem là thiết bị sinh tồn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, trong đó, quạt thổi khí (air blower) là cấu phần cốt lõi.

Theo thỏa thuận hợp tác, VinSmart trở thành đối tác sản xuất linh kiện quạt thổi khí cung cấp cho các dòng máy thở của Medtronic PLC từ tháng 6/2020. Đặc biệt, cấu phần quạt thổi khí được thiết kế và phát triển hoàn toàn bởi VinSmart và VinFast. Linh kiện này được đánh giá đạt độ hoàn thiện và chính xác tuyệt đối, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu.

Lô quạt thổi khí đầu tiên do hai bên hợp tác đã được xuất khẩu ngay trong tuần đầu tháng 8. Mục tiêu là đến hết năm 2020, Vingroup sẽ xuất khẩu 50.000 đơn vị quạt thổi khí sang Mỹ và Ireland, đáp ứng nhu cầu sản xuất máy thở đang rất cấp bách của Medtronic.

Phát biểu về thỏa thuận hợp tác, đại diện Medtronic khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết không công ty đơn lẻ nào tự mình có thể đáp ứng được nhu cầu máy thở toàn cầu hiện nay. Để có thêm đối tác cung cấp linh kiện đáp ứng nhu cầu cao này, tập đoàn này đã chia sẻ thông số thiết kế của dòng máy thở Puritan BennettTM 560 (PB560) từ tháng 3/2020.

“Nhằm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chúng tôi đã hợp tác với một số đối tác quốc tế là những đơn vị có thể tham gia vào quá trình sản xuất. Vingroup là một trong số các đối tác sẽ sản xuất quạt thổi khí – linh kiện quan trọng trong máy thở. Sự hỗ trợ của họ trong quá trình sản xuất này sẽ giúp chúng tôi tăng cường nguồn cung cấp sản phẩm máy thở”, đại diện Medtronic nói. (Xem thêm)

Bắt tay ARM và AMD, Samsung muốn lật đổ Qualcomm

Theo Business Korea, sau khi HiSilicon (công ty con của Huawei) đang mất đi khả năng cạnh tranh do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cuộc đua giữa các nhà sản xuất AP Android sẽ chỉ còn là cuộc đua giữa Qualcomm và Samsung Electronics.

“Gã khổng lồ” Hàn Quốc đã cài đặt Exynos 990 AP lên Galaxy Note 20 để bán tại châu Âu và nhiều quốc gia khác. Exynos 990 cũng được sử dụng cho Galaxy S20, được phát hành vào nửa đầu năm 2020.

Trước đó vào tháng 11/2019, Samsung thông báo hãng đã ngừng phát triển nhân tùy chỉnh cho chip Exynos. Dự kiến, thế hệ chip Exynos thế hệ tiếp trên dòng flagship Galaxy S30 sẽ sử dụng lõi của ARM.

Samsung đang hợp tác cùng ARM phát triển thế hệ CPU mới dựa trên lõi Cortex-X. Theo ARM công bố hồi tháng 5, thiết kế Cortex-X1 hứa hẹn sẽ mang đến hiệu năng mạnh hơn 30% so với nhân Cortex-A77. Ngoài ra, Cortex-X1 cũng có hiệu suất luồng đơn cao hơn 22% so với nhân ARM Cortex-A78 mới nhất.

Để khắc phục điểm yếu về khả năng xử lý đồ họa, trong năm 2021, Samsung dự kiến sẽ sử dụng GPU tùy chỉnh của AMD trong thế hệ chip Exynos trên các flagship của hãng.

Samsung cũng đang lên kế hoạch lật đổ Qualcomm bằng cách nâng cấp NPU (Neural Processing Unit – bộ xử lý thần kinh) và modem được sử dụng trong chip Exynos thế hệ mới. Hãng công nghệ này đang có kế hoạch tăng số lượng nhân sự cho khâu nâng cấp này lên gấp 10 lần vào năm 2030. (Xem thêm)