Cả nước vẫn còn gần 60 triệu thuê bao chỉ dùng để ‘nghe-gọi’

Thống kê tới tháng 12/2020 của Cục Viễn thông cho thấy Việt Nam có 132,52 triệu thuê bao di động. Trong đó, thuê bao di động chỉ dùng dịch vụ thoại và tin nhắn vẫn còn tới 58,68 triệu; còn thuê bao hoạt động có sử dụng dữ liệu (data) là 73,8 triệu.

Thống kê tình hình phát triển thuê bao di động của Cục Viễn thông.

Số liệu của Cục Viễn thông cho thấy tỷ lệ giữa thuê bao dùng các dịch vụ viễn thông truyền thống (gọi và tin nhắn) với thuê bao dùng dữ liệu trong những năm qua thay đổi tương đối nhanh theo hướng thuê bao truyền thống giảm mạnh, còn thuê bao dùng dữ liệu đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Cụ thể, năm 2019, trong tổng số 126,1 triệu thuê bao di động thì thuê bao chỉ để gọi và nhắn tin chiếm tới 63,6 triệu, thuê bao dùng dữ liệu là 62,6 triệu. Những năm trước đó, số thuê bao truyền thống lớn hơn nhiều so với thuê bao dữ liệu. Năm 2018, số thuê bao chỉ để gọi và nhắn tin là 75,4 triệu, thuê bao dữ liệu là 55 triệu. Còn năm 2017, cả nước có 75,2 triệu thuê bao chỉ để gọi và nhắn tin và chỉ có 39,8 triệu thuê bao dùng dữ liệu.

Với gần 60 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ viễn thông truyền thống, đây rõ ràng là thị trường “màu mỡ” cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển thuê bao dùng dịch vụ dữ liệu (3G, 4G, 5G).

Trên thực tế, không phải tất cả thuê bao đang sử dụng các dịch vụ viễn thông truyền thống này đều sử dụng điện thoại “cục gạch”, mà phần lớn là smartphone nhưng lại không dùng dữ liệu. Điều này có thể được minh chứng qua số liệu mà Cục Viễn thông thống kê là đến tháng 10/2020, số thuê bao/điện thoại “cục gạch” hiện chỉ còn 12 triệu.