Việc không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động quốc gia và tình trạng phi chính thức duy trì ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện làm việc của lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam được bảo đảm quyền lợi theo quy định của Bộ Luật Lao động

Theo ILO, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đưa lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động. Bộ Luật Lao động 2019 và Nghị định số 145/2000/NĐ-CP đi kèm quy định lao động gia đình phải có hợp đồng bằng văn bản, đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, trong đó có giới hạn về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi. Trong số các nước Đông Nam Á, chỉ có ở Việt Nam là lao động giúp việc gia đình được hưởng một mức lương tối thiểu ít nhất bằng mức lương tối thiểu dành cho các lao động khác. Theo báo cáo của ILO, 19% lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam làm việc thông qua các nhà cung cấp dịch vụ và số lượng lao động giúp việc gia đình di cư ra nước ngoài làm việc liên tục tăng trong thập kỷ qua.

Hiện khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 38,3 triệu lao động giúp việc gia đình từ 15 tuổi trở lên (trong đó 78,4% là nữ), tương ứng với 50,6% lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới. Đây là khu vực sử dụng nhiều lao động giúp việc gia đình nhất trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn số lao động này (22 triệu). Đa số lao động giúp việc gia đình trong khu vực không được áp dụng bất cứ giới hạn nào về thời giờ làm việc (71%) hay được hưởng chế độ nghỉ hằng tuần (64%) theo quy định của pháp luật lao động hiện hành. 


Tin-ảnh: G.Nam

Chia sẻ