+ Phóng viên: Theo thông tin từ ngành Y tế TP HCM, thành phố hiện không thiếu nhân lực . Tuy nhiên, UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19. Bà có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

+ Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM: Đây là một trong những kế hoạch chúng tôi triển khai trước biến thể mới Omicron. Một trong 8 thế trận của ngành y tế trước dịch bệnh là xây dựng, triển khai các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cấp huyện và sẵn sàng kích hoạt, đưa vào hoạt động ngay khi có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM 

Bên cạnh đó, khi TP HCM mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất – kinh doanh được khôi phục, số ca F0 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ người cao tuổi mắc Covid-19 trở nặng, tử vong tăng lên gây nhiều áp lực cho ngành y tế. Tuy nhiên, có một điều hy vọng là hầu hết người dân đã tiêm ngừa 2 mũi vắc-xin Covid-19. Do đó, TP HCM đang tập trung cho chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. 

Trước đây, ngay lúc cao điểm dịch bệnh tại TP HCM, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn đều ngừng tiếp nhận bệnh nhân để tập trung phòng chống dịch. Tuy nhiên, hiện tại, các bệnh viện đã hoạt động trở lại, vừa chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa khám và điều trị các bệnh lý thông thường. Do đó, mỗi bệnh viện, bác sĩ phải san sẻ rất nhiều công việc, không chỉ ở bệnh viện đó mà còn ở các bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện phải chia sẻ nhân lực nên chúng ta tương đối thiếu nhân sự. Cùng với đó là số F0 đang nhập viện. Theo tính toán, TP HCM ước tính cần bổ sung 3.000 bác sĩ, điều dưỡng. 

+ Ngoài những nhân lực này, hiện nay, TP HCM có bao nhiêu lực lượng tham gia phòng chống dịch, thưa bà? 

– Các sở, ban, ngành và các thành phần trong xã hội đều chung sức, đồng lòng tham gia phòng chống dịch. Theo thống kê thì rất nhiều, nhưng có thể điểm danh một số lực lượng. 

Thứ nhất là các dược sĩ. Đây là nguồn lực quý để hỗ trợ những trạm y tế, trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức chăm sóc F0. 

Thứ 2 là các bác sĩ của phòng khám tư nhân, họ cũng tham gia chăm sóc F0 tại nhà. Thậm chí, có phòng khám đa khoa tự nguyện trở thành trạm y tế lưu động để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân Covid-19. 

Thứ 3 là hệ thống mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Hệ thống này có hàng ngàn bác sĩ trên khắp đất nước cùng làm việc online hỗ trợ tư vấn cho F0 và các trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế lưu động, giúp giảm thiểu tình trạng F0 chuyển nặng. 

Thứ 4 là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Thời gian qua, hơn 5.000 sinh viên của Trường ĐH Y dược TP HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ tiêm chủng, lấy mẫu, chăm sóc F0 tại các bệnh viện dã chiến. Thời gian tới, lực lượng này cũng vẫn sẽ tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, chúng ta còn có đội ngũ tình nguyện viên F0 chăm sóc F0. Ngoài ra, thành phố còn có lực lượng rất đặc biệt là các tình nguyện viên tôn giáo. Thời gian qua, lực lượng này đã đến các bệnh viện tầng cuối chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng. 


Hải Yến – Nguyên Lâm

Chia sẻ