TP HCM vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở phù hợp khả năng chi trả. Đây là một nội dung trong  phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP tại hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 trong chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016-2025 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 diễn ra ngày 10-3.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đề nghị Sở Xây dựng TP lưu ý chương trình phát triển nhà ở gắn với chỉnh trang đô thị, tập trung tháo gỡ khó khăn và kiến nghị trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, 16 chung cư cấp D; phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, ông Bùi Xuân Cường đề cập đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại Sở Kế hoạch – Đầu tư vì tất cả các dự án bị “tắc” ở khâu này đầu tiên. Trong đó, dự án nhà ở xã hội chỉ tiêu quy hoạch được tăng 1,5 lần nhưng do vướng ở điểm “không phù hợp quy hoạch”, chưa được điều chỉnh quy hoạch phân khu nên không qua được bước “chấp thuận đầu tư”.

“Sở Kế hoạch – Đầu tư cần tham mưu, đề xuất liên quan tới thủ tục chấp thuận đầu tư. Sẽ có cuộc họp chuyên đề để tìm ra cách thức phối hợp giữa các sở ngành như nào, lấy ý kiến những gì trong quá trình thực hiện. Từ đó, đảm bảo thời gian, nội dung thực hiện chủ trương đầu tư” – ông Bùi Xuân Cường nói.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch – Đầu tư tham mưu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị di dời nhà ven và trên kênh rạch. “Xác định quy mô, tổng mức đầu tư nhưng cơ chế nào để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hợp vốn, Nhà nước chi phần nào, nhà đầu tư tham gia phần nào, cơ chế nào tạo quỹ đất để tăng tính khả thi thực hiện các dự án phát triển nhà ở” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP được giao tập trung phối hợp để điều chỉnh quy hoạch, ưu tiên xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Trước đó, phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, cho hay qua khảo sát 96.000 người lao động thì nhu cầu thuê nhà ở xã hội là rất cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho rằng với tình hình hiện nay thì việc thuê mua nhà ở xã hội khả thi hơn so với việc mua nhà.

Dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP Thủ Đức.

Đồng quan điểm, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, cho rằng người lao động rất khó khăn để có nguồn vốn đối ứng mua nhà ở xã hội. Theo ông, người lao động gắn với một doanh nghiệp cụ thể không cao. Cùng với đó là tình hình mất việc, giảm việc sẽ làm vỡ kế hoạch tài chính cá nhân người lao động.

Vì vậy, người mua nhà ở xã hội nếu đang trả góp đứng trước nguy cơ không có khả năng thanh toán. Cần làm rõ nhu cầu chỗ ở và sở hữu nhà ở để phục vụ công tác phát triển nhà ở xã hội.

Ông Trần Đoàn Trung đặt vấn đề nguồn lực có nhưng cơ chế nào để công đoàn tham gia giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động. Ông đề xuất có cơ chế sử dụng đất công mời gọi nhà đầu tư, có nguồn hỗ trợ vốn vay để kết hợp nguồn tài chính công đoàn.

“Đây là khoản tín dụng hàng năm chứ không phải cố định 1 lần, bởi công đoàn có nguồn thu và duy trì hàng năm. Vì vậy, có thể có cơ chế 3 bên để hỗ trợ cho nhà đầu tư khi tham gia xây dựng nhà lưu trú, ký túc xá công nhân trên đất công. Liên đoàn Lao động mong muốn tạo ra nhiều chỗ ở nhất có thể cho người tới làm việc, lao động” – ông Trần Đoàn Trung nói.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết

Báo cáo kết quả triển khai chương trình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho hay giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn. Nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.

Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 15.000 căn hộ. Diện tích sàn nhà ở xã hội toàn TP tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 là 1,78 triệu m2 sàn). 9 tháng đầu năm 2022, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 260 căn hộ.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030, dự kiến phát triển nhà ở thương mại tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 15,5 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 khoảng 21,4 triệu m2 sàn.

Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025, dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 35.000 căn nhà; giai đoạn 2026-2030 dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 58.000 căn nhà.


QUỐC ANH