Tại buổi họp báo, trả lời phóng viên về vấn đề Bộ Y tế kiến nghị không công bố số ca mắc mới, vậy TP có đánh giá cấp độ dịch nữa hay không?. Bà Mai cho biết hiện TP cũng như cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 218 của Bộ Y tế nên việc thực hiện đánh giá cấp độ dịch vẫn đang tiến hành.

Do vậy, việc Bộ Y tế kiến nghị không công bố ca mắc không đồng nghĩa với việc không ghi nhận hệ thống báo cáo. Sau này, nếu có hướng dẫn mới của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thì sẽ thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo.

Hiện nay, nhiều trường hợp tái nhiễm sau khi mắc Covid-19 từ 1-2 tháng, theo bà Mai, chỉ tiêu báo cáo về tỷ lệ người tái nhiễm không có trong hệ thống báo cáo của Bộ Y tế, chỉ ghi nhận trường hợp tái nhiễm ở cơ quan, đơn vị…

“Về các ca chuyển nặng khi tái nhiễm, ngành y tế TP có theo dõi sát các trường hợp chuyển nặng cũng như tử vong trên địa bàn TP. Thời gian qua, TP ghi nhận các ca chuyển nặng có dấu hiệu hơi tăng. Đối với ca tử vong giảm sâu, ngành y tế tiếp tục theo dõi các trường hợp chuyển nặng và tử vong để báo cáo” – bà Mai nói.

Làm gì để giữ vững thành quả phòng, chống dịch khi số ca mắc tăng, bà Mai cho biết Sở Y tế có giải pháp ứng phó khi ca nhiễm tăng, ngành y tế đã sắp lại cơ sở điều trị, thu dung tại các quận, huyện, khu chế xuất, bệnh viện… để đáp ứng kịp thời khi cần thiết có thể kích hoạt lại nhanh chóng trong 24 giờ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan có tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành về những giải pháp. Trong đó, có các hoạt động như mở cao điểm chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ (tiêm vắc-xin, xét nghiệm tầm soát, chủ động phát thuốc…) từ nay đến 31-3. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp hạn chế nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Đối với hộ gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ tại nhà thì có thể nhập viện điều trị, đồng thời triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-1 tuổi.

Liên quan đến thông tin trữ thuốc điều trị Covid-19, bà Mai cho biết hiện nay Bộ Y tế đã cấp phép hoạt động sản xuất thuốc cho 3 công ty với năng lực sản xuất khoảng 2 triệu viên/tháng. Sắp tới Bộ Y tế sẽ cấp phép cho các công ty sản xuất thuốc. Như vậy, người dân không lo thiếu thuốc. Ngoài ra, thuốc có hạn sử dụng ngắn, thuốc phải được kê đơn mới sử dụng, tránh tình trạng dùng thuốc bừa bãi dẫn đến kháng thuốc gây khó khăn cho điều trị.

Thông tin về điều kiện mua thuốc điều trị Covid-19, theo bà Mai, hiện nay Sở Y tế cũng đã có hướng dẫn và tập huấn cho các nhà thuốc, trong đó, có hơn 2.500 nhà thuốc tham gia cùng TP chăm sóc F0 tại nhà thời gian qua. Cùng với đó, đây là dịch bệnh nhóm A, do vậy thuốc này cũng được cấp miễn phí trên địa bàn. Hiện TP còn 29.000 liều thuốc Molnupiravir để phát cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà.

Đối với thông tin đề xuất của Bộ Y tế về việc F1 đi làm trực tiếp, còn F0 làm trực tuyến tại nhà, bà Mai cho rằng hiện nay ngành y tế TP và các sở ngành trên địa bàn TP đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hiện Bộ Y tế đã có thay đổi về định nghĩa F1, để công nhận là F1 cần nhiều điều kiện hơn. Điều chỉnh mới này giúp các tỉnh thành tăng cường giám sát, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các ca nhiễm trong bối cảnh cả nước thực hiện thích ứng an toàn với Covid-19.

Về vấn đề F1 đi làm trực tiếp trên địa bàn TP nói riêng và cả nước nói chung Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể cho đối tượng này. “Chừng nào có thông tin mới như kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện tiêm xong vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi, người nguy cơ cao… đảm bảo tính an toàn thì Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo mới và TP sẽ thực hiện theo chỉ đạo” – bà Mai nhấn mạnh.


Tin, ảnh: Hải Yến