Nguyễn Văn Tài (huyện Bình Chánh, TP HCM) hỏi: “Tôi làm việc tại công ty hơn 17 năm và hằng tháng đều bị trừ tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Vừa qua, sau khi nghỉ việc, tôi mới phát hiện công ty nợ BHXH từ năm 2019 nên tôi không được hưởng BHTN. Sau khi phòng lao động – thương binh và xã hội hòa giải không thành, tôi nộp đơn khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, tòa từ chối nhận đơn vì không đúng thẩm quyền và yêu cầu tôi liên hệ với cơ quan BHXH – nơi có trách nhiệm thu hồi nợ BHXH – để được giải quyết. Việc tòa từ chối nhận đơn khởi kiện của tôi có đúng quy định?”.

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Điều 200 Bộ Luật Lao động quy định cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hòa giải viên lao động và TAND. Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 và điểm d khoản 1 điều 201 của bộ luật này, đối với tranh chấp cá nhân về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT thì không bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải. Trong trường hợp có thực hiện hòa giải nhưng không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hay hết thời hạn giải quyết mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Đối chiếu với trường hợp trên thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN giữa ông Tài và công ty thuộc về tòa án. Việc tòa từ chối nhận đơn khởi kiện là trái quy định pháp luật.


Chia sẻ