– Có việc gấp lắm! – Tư Cang rỉ tai Phạm Xuân Ẩn (bí danh: Hai Trung, X6).

– Việc gì?

– Tên Tám Hà đã ra hàng giặc.

– Tôi biết rồi.

– Cấp trên cần gấp bản khai của nó.

Im lặng một lúc, Hai Trung bảo: Ra xe, tôi chở anh đi.

Bản báo cáo đắt giá

Điệp viên Hai Trung đề máy chiếc Renault-4, rời tiệm Givral, đưa người chỉ huy cụm tình báo H63 của mình về hướng Gia Định. Đến khu vực Lăng Ông Bà Chiểu, dừng xe, Hai Trung bảo Tư Cang ngồi yên đó chờ rồi đi thẳng vào Tòa Hành chánh tỉnh Gia Định. Lát sau, Hai Trung trở ra cùng một người, được giới thiệu tên là Bảnh.

Bảnh được quân đội Mỹ tuyển mộ, đưa sang Hawaii huấn luyện tình báo, rồi về làm trưởng đội thám báo thuộc Tòa Hành chánh tỉnh Gia Định của chế độ cũ. Trước đó, đã vài lần gặp Phạm Xuân Ẩn (hoạt động tình báo cho Việt cộng dưới cái mác phóng viên báo Time của Mỹ tại Sài Gòn – NV) đi cùng “ông chủ đồn điền cao su ở Bến Cát, Bình Dương” này (vỏ bọc của Tư Cang, do Phạm Xuân Ẩn bày kế – NV) nên Bảnh chẳng mảy may nghi ngờ.

– Tôi cần bản cung của tên thượng tá Việt cộng Tám Hà vừa ra hàng – Phạm Xuân Ẩn đặt vấn đề ngay.

– Có. Nhưng là tài liệu tuyệt mật. Có thể đưa nhưng trước 1 giờ 15 chiều tôi sẽ lấy lại tại đây. Bây giờ là 11 giờ 15 rồi.

– Được – Ẩn nói. Đúng 1 giờ 10 tôi sẽ đem lại đây trả.

Bảnh quay vào lấy, đưa ra cho “phóng viên” báo Time. Trên xe, Hai Trung dặn Tư Cang: Anh về chụp lại, đúng đầu giờ chiều tôi tới lấy, đem trả lại nó như đã hứa.

– Mượn như vầy nó có nghi không?

– Không. Nó biết tôi là phóng viên của Mỹ. Tôi mượn tài liệu viết bài thì nó có tiền, mỗi lần tôi cho nó bốn – năm ngàn đồng, cho hoài nên nó sẵn sàng cung cấp.

“Hai Trung nuôi nguồn tin giỏi thật, tình báo mà qua mặt tình báo, thám báo dễ như chơi” – Tư Cang thầm khen người đồng đội cấp dưới của mình.

Ông Tư Cang – đại tá Nguyễn Văn Tàu chăm sóc cây trong sân nhà, ở quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: QUANG LIÊM

Tám Hà là phó chủ nhiệm chính trị cánh Bắc của quân giải phóng. Sau đợt 1 Tổng tiến công Mậu Thân 1968, sư đoàn của Tám Hà không vào được Sài Gòn. Những ngày kẹt ở phía Bắc, bị quân Mỹ dội bom và pháo kích quá rát, đơn vị này tổn thất nhiều. Thiếu đói, lại mất tinh thần, ngày 19-4-1968, Tám Hà ra hàng giặc. Tổ chức cách mạng lo ngại y khai ra nhiều bí mật nên liền đánh điện chỉ đạo chỉ huy trưởng cụm tình báo H63 Tư Cang, khi ấy đang ở Bến Cát, về ngay nội thành Sài Gòn nghe ngóng, đặc biệt phải lấy cho được bản khai của Tám Hà. Nhiệm vụ hết sức nặng nề!

Ngày 21-4-1968, từ Bến Cát, Tư Cang bắt xe ôm rồi xe lam đi theo đường 13. Tới cầu Bình Lợi, ngoắt cậu bé bán dạo, mua tờ Thần Chung, thấy bìa 1 giật tít vedette “Thượng tá Tám Hà đã trở về với chánh nghĩa quốc gia”, dưới tít in hình Tám Hà đứng giữa, một bên là Phạm Quốc Thuần – đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 ngụy quân kiêm chỉ huy trưởng tiểu khu Bình Dương, một bên là đại tướng William Westmoreland – Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam, lúc này cụm trưởng H63 càng hiểu rằng Tám Hà là sĩ quan chính trị, lời khai của y chắc chắn rất tai hại cho cách mạng.

Bản cung của Tám Hà mà Hai Trung và Tư Cang lấy được dài 6 trang giấy A4, khai tất cả ý đồ, kế hoạch, mục tiêu tấn công, vị trí đóng quân, địa điểm giấu đạn pháo của quân cách mạng. Để nhận định tình hình chính xác hơn, “phóng viên” Phạm Xuân Ẩn còn đưa “chủ đồn điền cao su” tới nhà hàng Victory (đường Hàm Nghi) ăn sáng cùng viên sĩ quan phụ trách chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Tay đại tá này nắm nhiều thông tin quan trọng về các nước cờ quân sự của Mỹ – ngụy. Với tài moi tin của Phạm Xuân Ẩn, hai điệp viên của lưới H63 đã có đủ dữ kiện để báo cáo cho Bộ Tham mưu miền (B2). Trong báo cáo của Tư Cang gửi về cứ, ngoài nguyên văn bản khai của Tám Hà còn có đoạn nhận định quan trọng:

“Mấy ngày qua, tôi và Hai Trung có đi tìm hiểu thêm, được biết như sau: Tổng thống Johnson chỉ thị qua bằng mọi cách ngăn không cho Việt cộng tấn công đợt 2 vào Sài Gòn, có thể tuyên truyền vụ Tám Hà ra hàng đã khai hết kế hoạch tấn công mà làm cho Việt cộng chùn bước, hủy bỏ ý định tấn công đợt 2 (…) Tôi đề nghị nếu ta có chuẩn bị thì nên tấn công vào Sài Gòn một đợt nữa. Chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi về mặt chiến lược”.

Báo cáo về đến Bộ Tham mưu miền ngày 26-4-1968 thì đúng một tuần sau, ngày 4-5-1968, tiếng súng tấn công đợt 2 Mậu Thân của quân ta rền vang khắp Sài Gòn, mặt trận chính là phía Chợ Lớn và kéo dài hàng tháng trời. Cú đánh bồi này khiến tướng Westmoreland mất chức, Lyndon Johnson thôi ra tái tranh cử tổng thống Mỹ, đồng thời cử đại sứ William Sullivan ở Lào tìm cách bắt liên lạc với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tiến tới thương lượng về việc rút quân Mỹ và chư hầu về nước.

Nể phục

Nơi Tư Cang trú ẩn để sao chụp tài liệu và viết báo cáo mật gửi về Bộ Chỉ huy đóng ở Tây Ninh là nhà 136B nằm trong hẻm, đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) ở trung tâm Sài Gòn. Đó là nhà của ông bà Nguyễn Đăng Phong – Đào Thị Tư, quê Nội Duệ, Bắc Ninh; vào Cà Mau lập nghiệp từ thời thuộc Pháp. Chiến tranh cơ cực, cả nhà kéo nhau lên Sài Gòn mưu sinh, tạo dựng được căn nhà nói trên, bề nổi làm nơi ở của cả gia đình khoảng 10 người nhưng thực ra đó là điểm nuôi giấu cách mạng. Từ năm 1966, khi được tổ chức phân công về hẳn nội thành để nắm bắt tình hình mới sau khi quân viễn chinh Mỹ đổ sang, Tư Cang sớm kết nối với gia đình tư sản yêu nước này qua một người con gái của ông bà là Tám Thảo (Nguyễn Thị Mỹ Nhung) – giao thông viên nội tuyến của cách mạng. Chính Tám Thảo vào năm 1961 đã đưa Hai Trung (vừa đi học từ Mỹ về) lên chiến khu ra mắt các vị chỉ huy của B2.

Lui tới nhà Tám Thảo nhiều năm, từ 1966 đến trước chiến dịch Mậu Thân đợt 1, Tư Cang đóng vai “người bà con ở quê” làm gia sư dạy ngoại ngữ. Hằng ngày, điệp viên này đi làm tại Văn phòng kế toán OCOGES trong Thương xá Tax, thỉnh thoảng cho Tám Thảo đi nhờ xe; còn Tám Thảo làm thư ký, phiên dịch cho một đại tá tình báo Mỹ – cố vấn tại Bộ Tư lệnh Hải quân dưới bến Bạch Đằng. Một nữ tình báo Việt cộng “giúp việc” cho một sĩ quan tình báo cỡ bự của địch, đi – về giữa lòng địch suốt bao năm tháng, lấy nhiều tài liệu quý cho cách mạng mà không bị lộ, quả là tài tình!

Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, Tư Cang ở nhà Tám Thảo, cách mục tiêu Dinh Độc Lập chỉ khoảng 200 m. Gần 2 giờ, tổ biệt động số 5 do Ba Thanh chỉ huy bắt đầu khai hỏa vào dinh nhưng nhanh chóng bị đánh bật ra, phải cố thủ trong một chung cư xây dở dang gần đó, cầm cự để chờ tiếp viện. Theo dõi xuyên suốt qua ô cửa sổ trên gác và chứng kiến đồng đội 15 người đã hy sinh một nửa, đang bị vây chặt mà vẫn kiên cường đánh trả lực lượng Mỹ – ngụy, Tư Cang và Tám Thảo nhìn nhau rơi lệ. Tay súng thiện xạ ấy quyết định chia lửa với đồng đội. Khẩu K54 giương lên, 2 phát đạn nổ, 2 sĩ quan địch tại hiện trường đổ gục. Tư Cang cất súng, rút vào góc bí mật trốn kỹ vì biết chắc sẽ bị lùng bắt. Quân ngụy sau đó bố ráp khu vực nhà Tám Thảo rất gắt. Nhờ sự chở che của gia đình cách mạng này, đặc biệt là ứng xử thông minh của Tám Thảo, Tư Cang thoát được.

“Một sáng nọ, tôi chở Tám Thảo đi tới sở làm. Lúc ngang chợ Bến Thành, cô ấy nói: “Đời em sung sướng thật!”. Tôi quay lại hỏi: “Sung sướng thế nào?”. Tám Thảo cười: “Anh coi, có ai như em, sáng được thiếu tá tình báo Việt cộng chở đi làm bằng Honda, chiều được thiếu tá tình báo Mỹ đưa về nhà bằng xe jeep”… Tôi chợt nghĩ, làm tình báo trong lòng địch vô cùng nguy hiểm mà cô ấy vẫn bình tĩnh, thanh thản như không, thật đáng nể!” – đại tá Tư Cang hồi tưởng.

Điều gì thôi thúc họ chẳng sợ cái chết, không màng danh lợi, dành hết thanh xuân cho độc lập – tự do của dân tộc? Điều gì giúp H63 hoạt động xuyên suốt đến tận ngày giải phóng mà không bị lộ, có nhiều thành viên tài ba khiến quân địch nể sợ, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang cho cách mạng? Câu trả lời chỉ có thể là bởi lòng yêu nước thiết tha, sự quả cảm và khát vọng cháy bỏng về một ngày non sông hoàn toàn giải phóng, Nam – Bắc chung một nhà.

Và ngày ấy đã đến, từ 45 năm trước… 

Cụm tình báo quân sự H63 – trước đó từng mang các bí số B110, S11, A18 – ra đời năm 1961; có 45 thành viên, 27 người đã hy sinh. Vào năm 1971, H63 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều thành viên của cụm như: Mười Nho, Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo… cũng được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân sau đó.

Ông Nguyễn Văn Tàu sinh năm 1928, quê Bà Rịa – Vũng Tàu; chỉ huy H63 từ tháng 5-1962, đến năm 1973 thì sang làm Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động 316 – đơn vị đã tấn công và giữ cầu Rạch Chiếc thắng lợi, mở đường cho đại quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975.


DƯƠNG QUANG