Ngày 13-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.

Nguy cơ dịch gia tăng trở lại

Tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, cho biết trong tháng 8-2022, cả nước ghi nhận 72.324 ca Covid-19 (tăng 2,4 lần so với tháng 7), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Đặc biệt, trong 7 ngày gần đây (từ 5 đến 11-9), trung bình mỗi ngày có khoảng 2.900 ca mắc.

Số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Đáng chú ý là đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng. Trong đó, BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính đến hết ngày 11-9, cả nước đã triển khai tiêm 258,7 triệu liều. Ban Chỉ đạo dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vì vậy, vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng. Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích kết quả, tình hình phòng chống dịch, tiêm vắc-xin. Trong đó, các đại biểu thừa nhận có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một bộ phận người dân trước dịch bệnh nên chưa chủ động tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19. Một số cơ sở chưa quyết liệt trong vận động người dân tiêm vắc-xin và chưa có phương án khắc phục tình trạng này.

Đối với tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch, các địa phương đề nghị Bộ Y tế, các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn rõ hơn, tạo hành lang pháp lý để tổ chức đấu thầu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Lãnh đạo nhiều địa phương cũng đề nghị bổ sung các đối tượng, như nhân viên giáo dục, vào diện được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xem xét, sửa đổi quy định về liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh để khơi thông những bất cập, khó khăn, ách tắc; đưa các thiết bị, dịch vụ chất lượng cao vào vận hành khám chữa bệnh cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: TTXVN

Phải sẵn sàng ứng phó

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá đến nay, công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả. Dịch Covid-19 được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế phục hồi… Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Trong đó, Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi sau Covid-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định trên phạm vi toàn cầu, dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Việt Nam, biến thể mới BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể khác và đã được phát hiện tại một số địa phương. Dịch bệnh có khả năng lây nhiễm trên diện rộng…

Trước tình hình trên, Thủ tướng lưu ý phải tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng linh hoạt”, kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại, tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

“Địa phương nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân” – Thủ tướng quán triệt.

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương; đồng thời rà soát, hướng dẫn, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả.

Bộ Y tế cùng với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng chống dịch Covid-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.

“Khắc phục bằng được tình trạng ách tắc, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế trong tháng 9; không để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế do thủ tục hành chính, quy định của pháp luật và do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. 

Nhắc nhở nhiều địa phương chậm hoàn thành tiêm vắc-xin

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các địa phương đã thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, như: Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất; Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Bình, Điện Biên đạt tỉ lệ tiêm mũi 4 cao nhất…

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên, Quảng Trị… nghiêm túc rà soát, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc-xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Số ca mắc Covid-19 và bệnh nhân nặng tăng cao

TP HCM: Tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 và 3 cho trẻ em còn thấp * Tăng cường chống dịch qua đường hàng không

Bộ Y tế cho biết trong ngày 13-9, cả nước ghi nhận hơn 3.300 ca mắc Covid-19 và 2 trường hợp tử vong. Nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới thống kê được liên tục vượt mốc 3.000; số bệnh nhân nặng cũng liên tục tăng cao với 190 trường hợp đang được điều trị tích cực.

Theo Bộ Y tế, nước ta đã ghi nhận các biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.12.1 và mới nhất là dòng biến thể phụ thế hệ thứ hai BA.2.74. Các biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Cùng ngày, Sở Y tế TP HCM báo cáo từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận 86 ca mắc Covid-19 mới. TP HCM đang điều trị 243 ca Covid-19 tại các bệnh viện trên địa bàn. Đáng chú ý, đến thời điểm này, thành phố chưa phát hiện biến thể BA.2.74 – dòng biến thể phụ thế hệ thứ hai của Omicron có khả năng làm lây lan nhanh dịch Covid-19.

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hiện chỉ có 2/22 quận, huyện, TP Thủ Đức tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đạt tỉ lệ cao hơn tỉ lệ chung của cả nước (85%) là huyện Cần Giờ và Củ Chi; 21/22 địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi thấp hơn trung bình cả nước (55,9%); 20/22 địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi thấp hơn tỉ lệ chung của cả nước (53,4%).

l Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 qua đường hàng không.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Các đơn vị quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tiêm vắc-xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành. Cán bộ, công chức, viên chức và tất cả các cá nhân, tổ chức liên quan ngành giao thông vận tải (vận tải, công trình giao thông…) chủ động liên hệ với y tế địa phương nơi cư trú để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4.

N.Dung – H.Yến – D.Ngọc


Thế Dũng