Ngày 3-11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch ASEAN 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 8 đến 9-11 và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan từ 10 đến 13-11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 11-5-2022 tại Thủ đô Washington D.C. (Mỹ), nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ – Ảnh: VGP

Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Campuchia trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển ổn định. Hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỉ USD, tăng 16,7 % so với cùng kỳ năm 2021.

Người phát ngôn cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cùng Thủ tướng Hun Sen tham dự phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Thương mại Việt Nam-Campuchia, Hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và gặp một số lãnh đạo cấp cao của Campuchia.

Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự trực tiếp các Hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với đối tác. Các Hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19.

Theo chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự hơn 20 hoạt động, với nhiều Hội nghị quan trọng, thảo luận nhiều vấn đề lớn như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp với Lãnh đạo các đối tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến ASEAN cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước Chủ nhà Campuchia và các nước khác, đảm bảo các Hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác, xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề của ASEAN phải đối diện, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua khủng hoảng

Liên quan tới vấn đề Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar và tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh.

Với tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là thông qua thực hiện hiệu quả Đồng thuận 5 điểm, với ưu tiên chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa các bên liên quan vì lợi ích của người dân Myanmar, vì đoàn kết, toàn vẹn ASEAN, và vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực. Việc hỗ trợ Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần là lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều phối các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho Myanmar.


Dương Ngọc