Ngày 28-6, theo thông tin từ Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cơ quan này ngày 24-6 đã ban hành Kết luận thanh tra số 723/KL-TTra về việc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí tại Báo Pháp luật Việt Nam và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (sau đây gọi chung là Báo Pháp luật Việt Nam). Cơ quan chủ quản của Báo Pháp luật Việt Nam là Bộ Tư pháp.

Theo Thanh tra Bộ TT-TT, trong quá trình hoạt động, Báo Pháp luật Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn, giáo dục, phổ biến pháp luật, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Các vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước được báo thông tin đầy đủ, kịp thời với hình thức đa dạng như tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng chống đại dịch Covid-19…

Báo Pháp luật Việt Nam điện tử – ảnh chụp màn hình

Về một số tồn tại, hạn chế của Báo Pháp luật Việt Nam, Thanh tra Bộ TT-TT nêu rõ, báo đăng tải thông tin sai sự thật trong 13 bài viết, đã vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016, trong đó có 2 bài viết gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải nhiều bài viết không đúng tôn chỉ mục đích trên một số ấn phẩm, chuyên trang, đặc biệt là chuyên trang Pháp luật Sao với tỉ lệ bài viết sai tôn chỉ, mục đích lớn (khoảng 20%), nhiều tin bài về cuộc sống, hoạt động của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, điều tra phản ánh mặt trái, tiêu cực, tồn tại của một số tổ chức, cá nhân làm cho người đọc hiểu đây là chuyên trang giải trí, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của chuyên trang được quy định trong giấy phép số 01/GP-CBC ngày 19-11-2018.

Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm và cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Việc thông tin mang tính suy diễn, không thống nhất cũng gây dư luận nghi ngờ trong hoạt động tác nghiệp báo chí, thể hiện lãnh đạo Báo chưa thực hiện tốt việc kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải.

Ngoài ra, Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải nhiều bài viết có tính chất giật gân, câu khách, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đăng tải bài viết quy kết tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho một cá nhân khi chưa có bản án của tòa án; đặt tiêu đề bài viết không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin trong các bài viết, gây ảnh hưởng xấu đến đối tượng được phản ánh; sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin trong các bài viết; đăng tải nhiều bài viết điều tra, phản ánh mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội dưới dạng đặt câu hỏi nghi vấn, thiếu thuyết phục là chưa thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí chuyên ngành về pháp luật là phải chính xác, khách quan.

Đối với các chuyên trang, ấn phẩm, Thanh tra Bộ TT-TT nêu rõ: Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan báo chí khối bộ ngành có nhiều chuyên trang, ấn phẩm. Tuy nhiên, các chuyên trang, ấn phẩm có sự trùng lặp nội dung với nhau và trùng lặp nội dung với Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Một số chuyên trang có biểu hiện sa đà vào khai thác các vụ án, thông tin giật gân, câu khách. Việc phát triển quá nhiều ấn phẩm trong thời gian ngắn nhưng công tác quản lý chưa theo kịp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trong thời kỳ thanh tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy cách thiết kế, nội dung các ấn phẩm, chuyên trang có sự trùng lặp. Cụ thể chuyên trang Truyền thông pháp luật Pháp luật+, chuyên trang TV Pháp luật, chuyên trang Pháp luật Sao có nội dung phản ánh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc tế đến giải trí, thể thao, nội dung các chuyên trang có sự trùng lặp với nhau và trùng lặp với nội dung của Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.

Việc triển khai tổ chức, thực hiện các chuyên trang, ấn phẩm thiếu chuyên nghiệp, một số chuyên trang xây dựng chuyên mục lộn xộn, việc xuất bản tin bài trên các chuyên mục chưa có tiêu chí rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lặp giữa các chuyên trang với nhau và trùng lặp với ấn phẩm chính; có chuyên trang có dấu hiệu sai tôn chỉ, mục đích, sa đà vào điều tra, phản ánh mặt trái, tiêu cực.

Cơ quan thanh tra cũng kết luận Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại liên quan đến nội dung thông tin đăng tải trên Báo, hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Việc giải quyết đơn thư còn nhiều bất cập, chưa đúng quy định pháp luật, một số trường hợp giải trình với cơ quan có thẩm quyền thiếu tính thuyết phục, không có cơ sở. Báo chưa thực hiện tốt công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ liên quan đến đơn thư phản ánh, khiếu nại.

Tình trạng đơn thư phát sinh thường xuyên, kéo dài trong thời kỳ thanh tra là biểu hiện cho thấy công tác biên tập, kiểm duyệt nội dung, công tác quản lý hoạt động tác nghiệp chưa tốt, chưa chặt chẽ, gây bức xúc cho đối tượng phản ánh. Báo Pháp luật Việt Nam không thực hiện cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật, thực hiện cải chính không đúng quy định, báo cáo giải trình không đúng thời hạn và không thực hiện báo cáo giải trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Thanh tra Bộ TT-TT cũng phát hiện Báo Pháp luật Việt Nam gỡ nhiều bài viết nhưng không thông báo rõ ràng, không nêu rõ lý do, thể hiện sự thiếu tôn trọng độc giả, gây hoài nghi trong dư luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí, làm giảm uy tín của Báo Pháp luật Việt Nam.

Báo Pháp luật Việt Nam còn buông lỏng việc quản lý văn phòng đại diện, quản lý tác nghiệp của phóng viên, dẫn đến nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại về nội dung thông tin, về hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhiều trường hợp vi phạm đạo đức người làm báo, vi phạm pháp luật, một số trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Trong thời kỳ thanh tra, Lãnh đạo Báo đã cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên; cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên không thường xuyên; cấp các giấy giới thiệu nhưng không ghi nội dung làm việc hoặc nội dung làm việc được ghi chung chung; cấp giấy giới thiệu nhưng không ghi cụ thể nơi đến làm việc; hầu hết giấy giới thiệu cấp cho nhân sự của chuyên trang Pháp luật Plus không ghi chức danh.

Theo Thanh tra Bộ TT-TT, Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện quảng cáo nhiều loại hàng hóa, dịch vụ với nhiều hình thức phong phú. Tuy nhiên, Báo đã có một số bài viết có nội dung quảng cáo các sản phẩm nhưng không có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật Quảng cáo năm 2012.

Việc Báo Pháp luật Việt Nam để xảy ra nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí như nêu trên (về nội dung, về hoạt động tác nghiệp báo chí, về giấy phép, về quảng cáo, …), đặc biệt là các bài viết sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng trong thời gian dài Báo vẫn không chấn chỉnh, khắc phục kịp thời đã để lại những hậu quả như đã nêu trên. Điều này cho thấy công tác quản lý có dấu hiệu bị buông lỏng, trong đó có trách nhiệm của Ban Biên tập, lạn đạo Báo Pháp luật Việt Nam.

Thanh tra Bộ TT-TT đã đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Pháp luật Việt Nam chỉ đạo, giám sát Báo Pháp luật Việt Nam chấp hành nghiêm nội dung Kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chỉ đạo Báo Pháp luật Việt Nam có biện pháp chấn chỉnh hoạt động, khắc phục những tồn tại, hạn chế; rà soát, sắp xếp lại các sản phẩm báo chí đảm bảo khoa học, hợp lý nhằm nâng cao chất lượng và tránh trùng lặp nội dung; rà soát, sắp xếp, tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện, đội ngũ phóng viên, đặc biệt là cộng tác viên.

Thanh tra Bộ TT-TT cũng đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Pháp luật Việt Nam căn cứ tính chất, mức độ, nguyên nhân sai phạm, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xem xét làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các thiếu sót của tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của Ban Biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí.

Cơ quan thanh tra yêu cầu Báo Pháp luật Việt Nam chấm dứt ngay các hành vi vi phạm đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra; thực hiện cải chính, xin lỗi, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, đặt tiêu đề bài viết, sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin đã nêu tại kết luận thanh tra.

Thanh tra Bộ TT-TT cũng yêu cầu báo Pháp luật Việt Nam xây dựng phương án, kế hoạch để khắc phục những vi phạm, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra với lộ trình, mốc thời gian, biện pháp cụ thể. Trong thời hạn 3 tháng, kể từ khi nhận được kết luận thanh tra, Báo Pháp luật Việt Nam có trách nhiệm trình cơ quan chủ quản phê duyệt phương án, kế hoạch đã xây dựng và gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ T-TT.

Ngoài ra, Báo Pháp luật Việt Nam bị xử phạt hành chính về các hành vi sau: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng; xử phạt hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép chuyên trang Pháp luật Sao gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; xử phạt hành vi thực hiện không đúng nội dung ghi trong các giấy phép hoạt động báo chí; xử phạt hành vi không ghi đủ hoặc không ghi đúng nội dung theo quy định về thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí; xử phạt hành vi thực hiện cải chính không đúng quy định về vị trí; xử phạt hành vi miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác…

Đồng thời, yêu cầu Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện gỡ bỏ nội dung sai sự thật, thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật; gỡ bỏ tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; sửa đổi tiêu đề bài viết không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin trong bài viết…


Minh Phong