Cho con ở quê hay ở phố trong mùa dịch là một tính toán không hề giản đơn. Người cho con ở lại thành phố có khi phải chọn lựa giữa trách nhiệm chăm con với đeo bám công việc. Nhiều người đã phải hy sinh công việc để ở bên con cái lúc này. Áp lực kinh tế gia đình không hề nhỏ, nhưng bù lại, là chấp nhận đạm bạc trong an tâm. Trong khi đó, người cho con về quê cũng nào có được an tâm, khi ngay từ đầu mùa dịch cũng đã có những tai nạn đau lòng xảy đến với lũ nhỏ khi được cha mẹ gửi về quê cho ông bà chăm. Sự thích ứng với tự nhiên, kỹ năng sống trong điều kiện thiên nhiên của thôn quê không phải đứa trẻ thành phố nào cũng được trang bị. Mỗi chuyện nghe con cái ở quê nhức đầu sổ mũi cũng đã có thể khiến cha mẹ ở thành phố mất ăn mất ngủ. Chưa nói, trong điều kiện giãn cách xã hội, việc đi lại đã trở nên khó khăn bội phần.

Có lẽ chưa bao giờ hoàn cảnh thực tế đặt các gia đình trước những chọn lựa khó khăn như bây giờ. Chọn lựa nào cũng chấp nhận tính hai mặt của hoàn cảnh…

Hai tuần trước, nhà trường thông báo sẽ gửi clip bài giảng và bài tập qua mạng để bọn trẻ tự học ở nhà, cần sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc hướng dẫn con về kỹ thuật tiếp cận chương trình học. Thông báo cũng đi kèm khuyến cáo bắt buộc học sinh phải tham gia hoàn thành các chương trình này, để đến khi nhập học trở lại, kiến thức sẽ được tiếp nối. Nhiều người lên group liên lạc của hội phụ huynh than: “Con mình đã gửi về quê cho ông bà rồi, sao bây giờ. Bà ngoại thì làm sao biết cách mở điện thoại hướng dẫn làm bài tập bây giờ?”; “Vậy là phải kèm tụi nó dùng máy tính?”;”Ủa, mà sao trang web của nhà trường không vào được, toàn thấy báo lỗi?”…

Đôi khi chúng ta tìm thấy an ủi vì trong mọi chọn lựa, con cái được an toàn. Cũng đôi khi chúng ta tạm thấy hài lòng vì trong môi trường nào, con trẻ cũng đã tìm thấy đời sống của chúng, vui vẻ thích ứng trong một hoàn cảnh mới. Dẫu trong chọn lựa nào đi nữa, cha mẹ cũng đã đặt con mình vào một bài học, mà chính mình cũng đang là người học: thích nghi trong một hoàn cảnh khó khăn. Con trẻ đôi khi dạy người lớn sự hồn nhiên để thoát khỏi những lo âu đè nặng; nhưng người lớn cũng bằng kinh nghiệm của mình, nâng đỡ tinh thần để cùng con trẻ vượt qua một thời kỳ không dễ dàng. Cùng nhau khám phá một bài học khó, ở đó, những kinh nghiệm cũ có thể không còn phù hợp; một bài học mà lời giải đã không còn thuộc về cá nhân mỗi người mà còn phải đặt trong tương quan, chung chia giá trị với một cộng đồng…

Nếu bình thường thì có thể bây giờ đã là thời điểm chuẩn bị gói lại một năm học; những cánh diều đã no gió trên bầu trời quê nhà và những vùng ven thành phố; tiếng dế, tiếng ve đã lác đác vào những buổi sáng, buổi trưa…

Tháng tư vẫn về đúng hẹn. Tháng tư nhắc trong mỗi người ký ức êm đềm thời thơ ấu và mang đến một thực tế đầy băn khoăn. Khi bên cạnh con trẻ, nhìn tháng tư trôi qua bên khung cửa sổ hay trên màn hình điện thoại, dù trong bất kỳ lựa chọn nào, bài học lớn nhất mà người lớn có thể đồng hành cùng con trẻ lúc này, là bài học bình thản thích ứng, không cho phép mình chao đảo trước những đổi thay khó lường. Rồi những gì xảy ra hôm nay, dù muốn hay không, cũng đều có thể là kinh nghiệm sống cho gia đình trong một thế giới với tương lai bất định phía trước.


Nguyễn An Cư