Hình ảnh trống vắng này gợi lên nhiều cảm xúc với những ai thèm được thưởng thức những món ăn đường phố, đã trở thành một phần tiếng nói của mỗi đô thị.

“Street Food: Asia”, phim tài liệu nhiều tập của Mỹ, được tạo bởi David Gelb, khám phá một số món ăn đường phố tốt nhất của nhiều đô thị châu Á được công chiếu trên Netflix từ ngày 26-4-2019, giờ trở thành hoài niệm, là cái ngoái nhìn của khán giả hôm nay về “thời hoàng kim” của những con phố, ẩn hiện những khuôn mặt người thầm lặng đã góp phần định hình nên nét văn hóa ẩm thực đường phố.

Trải qua 7 tập phim, bảy thành phố châu Á hiện ra, những đầu bếp với những câu chuyện riêng tư nhưng tựu trung có mô-típ giống nhau: Họ được hè phố “thu nhận” để trở thành một thành viên trong đại gia đình cùng san sẻ với nhau một góc phố, một con đường, những ngày nắng mưa, thiên tai, hay nhân họa.

Cảnh trong phim “Street Food: Asia” Ảnh: NETFLIX

Như đầu bếp Jai Fai ở Bangkok, Thái Lan, từ cô thợ máy, trở thành một đầu bếp đường phố sau khi nhà bị cháy. Bảy mươi tuổi vẫn đứng bếp, nhìn đôi tay gầy nhom, gân guốc của bà cầm chiếc chảo gang sâu lòng đảo trên ngọn lửa một cách điêu luyện mới biết vì sao chủ một quán ăn nhỏ, giữa bạt ngàn hàng quán khác, lại đạt được sao Michelin. Bà như mảnh hồn còn sót lại từ quá khứ, nối liền với hiện tại, giống cái cách bà kiên trì thắp lên những lò than vì đơn giản chỉ tin vào ngọn lửa của than hồng. Một cách nói giản dị, nhưng lay động, tưởng chừng bà đã gửi toàn bộ niềm tin của mình vào những giá trị xưa cũ.

“Cố quái” hơn cả bà Jai Fai là lão đầu bếp Toyo, nhất quyết nướng thịt bằng đèn khò, nhúng tay trần trực tiếp vào nước đá để trở thịt. Nhìn ông lão huyên thuyên, thích pha trò và thường xuyên chọc cười khách, không ai có thể nhận ra đó từng là đứa trẻ mồ côi mẹ, bị cha đánh đập và thường đói ăn. Dường như trong ông chủ quán ăn nhỏ ở Osaka, Nhật Bản này vẫn còn hình ảnh đứa trẻ năm xưa. Ông đã chọn không lập gia đình mà coi nhân viên như con cái và coi khách hàng là bạn bè thân thiết.

Ở những đầu bếp như thế, có gì đó gợi nhắc ta đến từ “trường cửu”, một biểu tượng mà chỉ cần họ còn hiện diện nơi con đường, ngõ phố đó, vẫn còn ngày ngày nấu những món ăn đó, thì thế giới vẫn vẹn nguyên dẫu có qua bao cơn tao loạn. Giống cách mà ba thế hệ trong gia đình của bà Mbah Satinem từ mẹ bà, giờ đến bà và sau này là con gái bà, trở thành những vị “phúc thần” nơi ngã tư bình thường của thành phố Yogyakarta, Indonesia. Trông bà không khác chi những bà lão bán hàng rong ở Việt Nam, nhỏ bé, móm mém, chìm sau những chiếc mẹt, bán một thứ quà vặt đã trở thành ký ức của bao người.

Xem chương trình này, cảm giác những người như bà Mbah Satinem không có khái niệm nghỉ hưu, giống như người đồng hương, bà Mbah Lindu gần trăm tuổi, mắt lòa, vẫn ngồi bán bên đường. Hè phố trở thành cả cuộc đời họ, nguồn sống của họ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Họ trước đây có thể là công nhân như chị Trước (chủ tiệm ốc ở Sài Gòn) hay nội trợ như Yoonsun Cho (chợ Gohyang Kalguksu, thủ đô Seoul, Hàn Quốc) do hoàn cảnh đẩy ra đường phố, trở thành trụ cột gia đình. Cho nên, dù nhiều người nói rằng ẩm thực đường phố nhếch nhác, làm xấu bộ mặt đô thị nhưng nó là biểu hiện cho sự cởi mở của những đô thị hiện đại. Nơi bạn bè gặp gỡ, thực khách bình đẳng thưởng thức những món ăn ngon như nhau, thể hiện một tinh thần hòa ái, kết nối giữa người với người.

“Street Food: Asia” duyên dáng trong cách kể chân phương của mình đã tôn vinh những con người tạo ra phép mầu từ đôi bàn tay lao động. Xem “Street Food: Asia” có lẽ lòng mỗi người sẽ hỏi những người muôn năm cũ ấy, giờ đang sống sao trong mùa dịch này?


Huỳnh Trọng Khang