Giữa tháng 7-2021, hơn 300 nhân viên y tế, hậu cần và tình nguyện viên tại TP HCM chạy đua trong 24 tiếng đồng hồ để kịp thời cải tạo một chung cư bỏ hoang nhiều năm trở thành nơi sinh hoạt, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Dã chiến số 6. Trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, các y bác sĩ đã chứng tỏ bản lĩnh và trí tuệ của mình. Họ học cách thích nghi với hoàn cảnh để kịp thời điều trị, cứu sống bệnh nhân. Lịch sử ngành y thành phố ghi nhận sáng kiến đặc biệt: Bác sĩ ứng dụng “dụng cụ thở ôxy của cá” để cấp cứu kịp thời cho hàng trăm bệnh nhân cùng lúc. Có bệnh nhân 82 tuổi liệt người, phải chạy thận, tim đặt stent… đã chiến thắng Covid-19. Hàng ngàn bệnh nhân được bệnh viện dã chiến số 6 điều trị khỏi bệnh.

Phim lên sóng kênh HTV9 lúc 20 giờ 50 tối chủ nhật ngày 3-10-2021.

Tuy nhiên, ngày về của mỗi người từ bệnh viện Dã chiến lại là một số phận. Đó cũng là những lát cắt đời sống được “HTV từ tâm dịch” khai thác trong tập 2 với chủ đề “Ngày về”.

Bác sĩ F0 tại bệnh viện chia sẻ về quá trình làm việc khi trở thành bệnh nhân. Trong số những bệnh nhân được bác sĩ F0 điều trị thì có cả mẹ ruột của mình. Hai mẹ con bác sĩ F0 chiến thắng Covid-19, nhưng ngày về chia đôi vì bác sĩ trẻ ấy tiếp tục ở lại với tiếng gọi của “lương y” và nhiệt huyết thầy thuốc trẻ.

Ngay tâm dịch dã chiến, nhiều gia đình gần như thất lạc thông tin của nhau. Đó cũng là câu chuyện của cặp vợ chồng gần 70 tuổi, ngụ quận 4. Bằng sợi dây tình cảm thiêng liêng với khát vọng tìm nhau, họ thổ lộ mong muốn với các bác sĩ. Với mạng lưới thông tin nội bộ, các bác sĩ đã kết nối để có một cuộc hội ngộ trong niềm vui và nước mắt của ngày về.

Đằng sau mỗi bệnh viện dã chiến là một bệnh viện “hậu phương”. Câu chuyện ở tập phim “Ngày về” còn đưa khán giả truyền hình đến với hậu phương của “Dã chiến số 6” là Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp. Một bệnh nhân 68 tuổi vượt qua Covid-19 chọn ở lại làm tình nguyện viên. Thế nhưng, đằng sau hình ảnh đó là một cuộc đời không trọn vẹn của cụ bà: con gái không đón về, khu trọ tá túc cũng không cho về. Cụ bà được nhận làm việc có lương, những công việc hữu ích và phù hợp với bà: giúp bệnh nhân cao tuổi ăn uống, quét dọn vệ sinh sân bệnh viện, nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh chung…

Bằng thủ thuật kể chuyện “song hành”, tác giả Lê Trường Giang, công tác tại Trung Tâm Tin Tức HTV đã đưa người xem qua từng không gian: nơi căng thẳng của các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, nhịp sống thường ngày của các bệnh nhân F0 trong khu điều trị, từng mái nhà với từng câu chuyện ngày về. Qua mỗi không gian, nhân vật được thể hiện giản đơn, chân thật, đọng lại trong người xem trăn trở về số phận ngày về của mỗi người sau cuộc chiến với Covid-19.

Thông tin thêm về phim tài liệu “HTV từ tâm dịch”:

“HTV từ tâm dịch” là loạt phim tài liệu, độ dài 3 tập, mỗi tập 30 phút, do phóng viên Lê Trường Giang thực hiện. Tác nghiệp độc lập, đảm nhận vai trò biên tập, quay phim, đạo diễn, dựng phim… là định hướng của HTV trong việc phát huy năng lực của lực lượng phóng viên trẻ.

Tập 1 với tên gọi “Dã chiến” là câu chuyện từ những ngày đầu thành lập đến giai đoạn cao điểm trong thu dung điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân.

Tập 2, “Ngày về” là những câu chuyện về các số phận của những con người trong đại dịch Covid-19, có bi thương nhưng cũng là những cảm xúc đầy nhân văn trong dòng chảy cuộc sống.
Tập 3 sẽ được chuyển tải với tên gọi “Hậu phương”.


Xuân Huy

Chia sẻ