Theo Tổng cục GDNN, năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ có chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt trong việc phục hồi sản xuất – kinh doanh, du lịch, dịch vụ. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch tuyển sinh các trình độ trong GDNN năm nay đạt 2,086 triệu người, việc tuyển sinh là vấn đề ưu tiên hàng đầu của mỗi cơ sở GDNN.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng các cơ sở GDNN tuyển sinh những ngành, nghề đào tạo trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng cần tập trung làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền, tư vấn sâu về nhu cầu nhân lực lao động trong lĩnh vực này; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực liên quan trong hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm để tạo niềm tin, sự yên tâm đối với người học khi lựa chọn ngành, nghề…

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Huế thực hành trên máy tính. Ảnh: QUANG NHẬT

Dịp này, đại diện các sở LĐ-TB-XH: Cần Thơ, Kiên Giang, Tây Ninh, các cơ sở GDNN, đào tạo lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng và Sun Group đã ký kết chương trình hợp tác trong phối hợp đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực.

. Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nguồn nhân lực của tỉnh có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật khá lớn. Tuy nhiên, lao động qua đào tạo chưa chuyên nghiệp, chất lượng chưa ổn định; tình trạng thất nghiệp của lao động qua đào tạo còn cao, đặc biệt là ở nhóm có trình độ cao đẳng. Việc gắn kết giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hiệu quả.

Để đạt mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tham gia xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất.


C.Tuấn – Q.Nhật