Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TP HCM) nhu cầu tiêu thụ sữa dê làm thực phẩm hằng ngày tại TP HCM là rất lớn, nhưng nguồn cung ứng luôn trong tình trạng khan hiếm vì TP có số lượng đàn dê nuôi lấy sữa không nhiều.

Qua khảo sát, các nông hộ ở TP.HCM hiện nuôi các giống dê lai cho sản lượng sữa khoảng 1,4 kg/con/ngày, tương ứng tổng sản lượng sữa 287 kg/chu kỳ. Tuy nhiên, các hộ nuôi thường không rõ về nguồn gốc của giống dê, nên rất khó trong việc đánh giá tiềm năng về năng suất sữa.

Dê lai F1 (Saanen – Bách Thảo) sinh trường tốt, không bệnh, cho sữa ổn định (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)

Trong khi đó, các huyện ngoại thành TPHCM như Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi có nhiều nguồn phụ phẩm thải ra từ quá trình chế biến nông nghiệp như hèm bia, bã mì, bã dầu dừa, bã đậu nành… và tất cả phụ phẩm này hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu làm thức ăn cho dê, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.

Từ lý do này đã thôi thúc TS. Lê Thụy Bình Phương cùng nhóm cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) tiến hành lai tạo đàn dê F1 từ con đực Saanen và con cái Bách Thảo.

Nhóm nghiên cứu cho biết lợi nhuận từ sữa khi nuôi dê lai F1 cao hơn nhiều so với nuôi dê thuần ở cả hai giống Saanen và Bách Thảo. Qua thống kê với đàn F1 ở các nông hộ tham gia trong quá trình triển khai thực tế mô hình (tại huyện Bình Chánh và Cần Giờ), tính trên quy mô đàn 10 con, lợi nhuận từ sữa trong năm đầu tiên ở nhóm dê lai F1 Saanen – Bách Thảo là 82,6 triệu đồng, trong khi đó với dê Saanen thuần chỉ ở mức 58,4 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, mô hình chăn nuôi dê lấy sữa rất thích hợp cho các nông hộ mong muốn chuyển đổi hướng sản xuất vì chi phí đầu tư và đòi hỏi diện tích nuôi nhỏ hơn so với bò sữa. Việc xây dựng khẩu phần cho dê nuôi lấy sữa theo hướng tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp cũng phù hợp với mục tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ sinh thái môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Mô hình chăn nuôi dê sữa với dòng lai F1 (giữa Saanen và Bách Thảo) thích nghi với điều kiện thời tiết tại khu vực TPHCM (cụ thể là các huyện ngoại thành), có thể thực hiện phương thức nuôi nhốt để phù hợp với diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp ở TP HCM. Mô hình này cũng thiết thực giúp hình thành vùng chăn nuôi dê sữa, đáp ứng nhu cầu về nguồn sữa dê, tạo thu nhập tốt hơn cho người dân” – TS. Lê Thụy Bình Phương lạc quan.


Đức Huy

Chia sẻ