Nguyên nhân của việc rác… tắc trong nội thành Hà Nội là do khu xử lý rác thải Nam Sơn ở huyện ngoại thành Sóc Sơn tạm dừng tiếp nhận rác thải. Lý do cụ thể hơn là mưa nhiều trong những ngày qua đã khiến mực nước rác trong hồ sinh học của bãi rác Nam Sơn dâng cao, tới ngấp nghé bờ bao. Nếu không dừng tiếp nhận rác thải thì nước thải sẽ tràn bờ, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu vực dân cư và đồng ruộng xung quanh khu xử lý rác thải.

Đây không phải lần đầu tiên khu xử lý rác thải Nam Sơn ngừng tiếp nhận dẫn tới việc rác thải ùn ứ, chất đống trong nội thành Hà Nội. Có điều khác là lần này do… ông trời, những lần trước là do con người. Vì những lý do khác nhau dẫn tới việc việc khu xử lý rác thải Nam Sơn trở lên ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống nên người dân quanh khu xử lý rác thải này ngăn chặn, không cho xe chở rác thải từ nội thành tới đổ.

Rác thải những năm qua đã thành nỗi lo của người dân, giới chức liên quan của TP Hà Nội. Là một trong 2 đô thị lớn nhất của cả nước với khoảng trên dưới 10 triệu dân, lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội hiện lên tới khoảng 7.000 tấn/ngày. Việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt rất lớn này hiện chủ yếu được đưa về 3 khu xử lý rác thải là Nam Sơn, khu xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và khu xử lý rác thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), trong đó bãi rác Nam Sơn lớn nhất, có khả năng tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác/ngày.

Điều đáng nói là các khu xử rác thải trên hiện đều xử lý bằng cách chôn lấp. Cách xử lý này luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn và thực tế đã nhiều lần người dân sinh sống xung quanh ngăn chặn không cho xe chở rác thải vào bãi, dẫn tới việc rác phải chất đống nhiều ngày trong nội thành.

Hướng tới việc xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại theo hướng “xanh – sạch – đẹp”, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại. Đến nay, đã có một doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng một nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác tiên tiến của châu Âu với tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng ngay tại bãi rác thải Nam Sơn lớn nhất của thành phố hiện nay. Cùng với nhà máy có khả năng xử lý 4.000 tấn rác thải/ngày theo công nghệ hiện đại này, hiện còn có 3 dự án đốt rác phát điện khác cũng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng công suất xử lý rác thải khoảng 3.500 tấn/ngày.

Thế nhưng, các dự án xử lý rác thải theo công nghệ mới trên đều đang chậm tiến độ. Rác thải chất đống, bốc mùi ô nhiễm vì thế hiện vẫn là một nguy cơ thường trực ở Hà Nội. Nỗi lo lắng này có lẽ chỉ thực sự bị dẹp sang một bên khi thành phố có giải pháp căn cơ, đưa các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại vào hoạt động.


Phạm Dương

Chia sẻ