Tập quán của người Việt là sinh sống theo cộng đồng, xóm làng, cụm dân cư quây quần, đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương nhau. Do đó, việc giúp đỡ, tương trợ qua lại giữa những người hàng xóm là chuyện thường tình; lối sống tình cảm “tối lửa, tắt đèn có nhau” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Cũng chính vì lẽ đó, nhiều người rất tin tưởng vào hàng xóm hoặc bạn bè, người quen biết, thường gửi nhờ trông giữ con nhỏ mỗi khi bận việc hoặc có tâm lý chủ quan con “chơi nhà hàng xóm” mà không để ý, thậm chí cho rằng việc ở nhà hàng xóm là đã an toàn tuyệt đối. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc xâm hại trẻ em đau lòng từ chính những người hàng xóm, người quen biết.

Có một điểm khá tương đồng là hầu hết các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại từ những người quen biết thường rất nguy hiểm. Bởi lẽ, khi thực hiện hành vi phạm tội, những kẻ quen biết thường sợ bị trẻ tố cáo nên sẵn sàng thủ tiêu nạn nhân.

Ngoài ra, dù là hàng xóm, quen biết, qua lại, nương tựa lẫn nhau nhưng cũng có lúc xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, để rồi khi có cơ hội, nhiều kẻ lại ra tay trả thù một cách dã man. Hoặc chỉ vì chút nóng giận bột phát nào đó cũng có thể gây tội ác khó lường.

Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ, đấu tranh phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em thì cha mẹ, người thân là những người có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình. Tuyệt đối không nên chủ quan hoặc quá tin tưởng, “bỏ mặc” trẻ, nhất là những cháu quá nhỏ, cho những người quen biết mà không có sự theo dõi, chăm sóc, trông coi cẩn thận, thường xuyên.


Phạm Văn Chung