Cuộc đua giữa 2 đoàn thể thao Mỹ và Trung Quốc diễn ra hết sức hấp dẫn ngay từ ngày khai mạc kỳ đại hội trên đất Nhật Bản mà ngay cả đoàn chủ nhà với lực lượng vận động viên (VĐV) đông thứ nhì cũng không thể cạnh tranh được. Trừ ngày đầu tiên phải chia sẻ vị trí dẫn đầu cùng với các đoàn Hàn Quốc, Ecuador và Kosovo, vị trí số 1 bảng tổng sắp huy chương thuộc về đoàn Trung Quốc cho đến tận ngày áp chót của Thế vận hội.

Khởi đầu ngày bế mạc đại hội, Trung Quốc với 38 huy chương vàng (HCV) chỉ còn hơn đoàn Mỹ xếp thứ nhì vỏn vẹn 2 ngôi vô địch. Lợi thế mong manh này nhanh chóng bị đoàn thể thao xứ cờ hoa bám đuổi, bắt kịp và vượt qua khi Mỹ giành HCV ở bộ môn thế mạnh bóng rổ nữ cùng 2 ngôi vô địch bất ngờ ở bóng chuyền nữ và xe đạp tính điểm nữ của cua-rơ Jennifer Valente.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có cơ hội duy nhất bổ sung HCV nhưng nữ võ sĩ Li Qian lại không thể thành công sau trận thua 0-5 ở trận chung kết hạng dưới 75 kg trước đối thủ Lauren Price (Anh). Bị bỏ xa về số lượng huy chương bạc lẫn huy chương đồng, lại hụt hơi trong ngày thi đấu cuối cùng, đoàn thể thao Trung Quốc đành chấp nhận nhường vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020 cho đoàn Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach trao cờ Olympic cho nữ Thị trưởng Paris Anne Hidalgo. Ảnh: REUTERS

Đây là kỳ Thế vận hội thứ ba liên tiếp, Mỹ khẳng định vị thế nền thể thao số 1 hành tinh, cũng là lần thứ 6 trong tổng số 7 kỳ đại hội kể từ Atlanta 1996, họ độc chiếm vị trí này (trừ kỳ Olympic Bắc Kinh 2008, ngôi số 1 nghiễm nhiên thuộc về đoàn chủ nhà). Mạnh đều ở rất nhiều bộ môn và luôn tham dự bằng số lượng VĐV vượt trội, thể thao Mỹ chính là mô hình phát triển mà cả thế giới cố gắng noi theo.

Nhìn lại Olympic Tokyo 2020, đây là kỳ đại hội bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19, phải dời hoãn 1 năm và thậm chí suýt phải hủy bỏ chỉ 1 tuần trước ngày khai mạc khi phần lớn thủ đô Tokyo bị phong tỏa. Lần đầu tiên trong lịch sử, các cuộc tranh tài tại Thế vận hội không tiếp đón khán giả, còn lực lượng tham gia tranh tài (HLV, VĐV) bị giám sát chặt chẽ bởi các quy định phòng chống dịch hết sức nghiêm ngặt.

Tất cả khó khăn, trở ngại tưởng không thể khắc phục ấy lại chính là động lực để các đoàn vượt lên chính mình. 86 đoàn có tên trên bảng tổng sắp huy chương – ngang bằng với Rio 2016 và London 2012 – cùng vô số kỷ lục thế giới, kỷ lục Olympic, kỷ lục châu lục thực sự là cố gắng rất lớn trong bối cảnh mọi hoạt động thể thao bị đình trệ nhiều tháng ròng rã.

Olympic Tokyo 2020 khép lại vào tối 8-8-2021 và chỉ còn 3 năm trước thềm Olympic Paris 2024 trên đất Pháp, khởi đầu cho một chu kỳ mới của thể thao trên khắp hành tinh. 

Paris tiếp nhận cờ Olympic

Tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào tối 8-8, nữ Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach và nữ Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đã tham gia lễ trao cờ Olympic từ Tokyo cho TP Paris, nơi đăng cai kỳ Thế vận hội 2024.

Những nét văn hóa Pháp, cảnh quan thủ đô Paris đã được trình diễn, chào đón kỷ niệm lần thứ 100 Olympic trở lại với quốc gia Tây Âu xinh đẹp, mến khách. Tất cả cùng hy vọng vào thành công của kỳ đại hội thứ 33 trong lịch sử Olympic hiện đại.


Đông Linh

Chia sẻ