Đánh giá về khả năng thành công của các quốc gia ở một số môn thế mạnh, hãng tin AP trước ngày khai mạc Olympic Tokyo ghi nhận đoàn thể thao Việt Nam có thể giành đến 2 bộ huy chương, trong đó có ít nhất 1 huy chương cử tạ từ Thạch Kim Tuấn. Đây không phải là dự báo thiếu cơ sở bởi lực sĩ Việt Nam đã lên ngôi vô địch tại các kỳ Olympic trẻ, SEA Games cũng như Giải Vô địch thế giới, từng so kè quyết liệt với các lực sĩ hàng đầu thế giới như Long Qingquan, Li Fabin (Trung Quốc), Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên), Arli Chontey (Kazakhstan) hay Erawan Eko Yuli (Indonesia)… kể từ khi cùng thi đấu ở hạng 56 kg và nay là hạng 61 kg.

Tuy nhiên, AP cũng đã không để ý đến chi tiết rằng Thạch Kim Tuấn chính là lực sĩ bị “tạ đè” nhiều nhất, từ lần đầu tiên tham dự Giải Vô địch thế giới 2011 tại Paris (Pháp) cho đến sự cố gây chấn động tại Olympic Rio 5 năm trước. Điều đáng buồn này tái diễn ở Giải Vô địch châu Á hồi năm ngoái và giờ là 5/6 lần thực hiện động tác bất thành tại Tokyo chiều 25-7…

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn thất bại ở động tác cử đẩy hạng 61 kg môn cử tạ Ảnh: REUTERS

Xem Thạch Kim Tuấn thi đấu, chưa bao giờ người hâm mộ có cảm giác an tâm khi những cú nâng tạ của anh luôn chơi vơi giữa ranh giới thành công và thất bại. Thạch Kim Tuấn luôn có tên trong nhóm vận động viên (VĐV) được quốc gia đầu tư trọng điểm trong vòng 10 năm qua. Song, cũng phân nửa khoảng thời gian này, Thạch Kim Tuấn phải “sống chung” với chấn thương cũng như cấu trúc khung xương cơ thể rất đặc biệt mà việc chạy chữa cho anh được nhắc nhiều đến mức nhàm chán, đến độ không ai buồn hỏi han cũng như chẳng có nơi nào cung cấp thông tin cho báo chí “luận bàn” trước các chiến dịch lớn.

Thành công và thất bại trong thể thao phụ thuộc nhiều vào khả năng thiên phú, sự lao động miệt mài trong tập luyện và thi đấu của các VĐV. Tuy nhiên, việc để mai một những tài năng thuộc dạng hiếm bằng sự thờ ơ có lẽ sẽ là điều dư luận không bao giờ lãng quên.

Chỉ một lần thành công ở động tác cử giật với trọng lượng tạ 126 kg, Thạch Kim Tuấn thất bại ở cả 2 lần thực hiện động tác cử đẩy 150 kg và lần cuối với mức tạ 153 kg. Với thành tích cử giật khiêm tốn 126 kg (xếp hạng 8/9 VĐV) và cử đẩy bất thành, lực sĩ quê Bình Thuận này chính thức chia tay luôn với đấu trường Olympic Tokyo 2020. 

Võ sĩ judo Nguyễn Thị Thanh Thủy để thua bằng điểm Ippon ở vòng loại hạng 52 kg nữ trước Andreea Chitu (Romania). Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm thi đấu ở hạng 51 kg môn boxing nữ và để thua đáng tiếc nhà vô địch châu Âu 2018 Stoyka Krasteva (Bulgaria) với tỉ số sít sao 2-3. Đôi chèo nữ Lường Thị Thảo – Đinh Thị Hảo ở môn rowing phải bằng lòng xuống dự chung kết nhóm C để xếp hạng chính thức nội dung thuyền đôi hai mái chèo nữ.

5/11 số môn thi đấu cũng như phân nửa số tuyển thủ Việt Nam đã phải dừng bước sau ngày tranh tài chính thức thứ hai của Olympic Tokyo 2020. Đoàn thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu 26-7 chỉ có thể trông chờ vào các VĐV nữ như Nguyễn Thùy Linh (cầu lông, vòng loại đơn nữ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi, 200 m tự do nữ).


Đông Linh

Chia sẻ