Khoảng 10 năm nay, người dân làng A Lao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cần mẫn trồng, chăm sóc từng cây trắc với hy vọng có thể khôi phục rừng cây như trước đây. Họ rủ nhau đào những cây trắc nhỏ, mọc dày đưa ra nơi đất trống để trồng. Rừng gỗ trắc ở đây đang được phục hồi dần.

Gần như “tuyệt chủng”

A Lao – ngôi làng của bà con người đồng bào dân tộc Ba Na – bao năm qua nằm yên bình bên ngọn đồi Tchre. Xưa kia, ngôi làng được bao phủ bởi những cánh rừng trắc cổ thụ, xanh ngắt. Trải qua thời gian, những cây trắc quý đã bị con người triệt hạ gần hết.

Già H’Ngôm (trú làng A Lao) kể từ khi ông sinh ra, ngôi làng được bao phủ bởi rừng trắc cổ thụ. Tuy nhiên, người dân làng không biết rằng đây là loài gỗ quý, chỉ xem như bao loài cây rừng khác. Từ bao đời, người làng A Lao sống dựa vào rừng nên thường ngày, họ vẫn vào rừng chặt gỗ trắc mang về làm nhà, dựng hàng rào và sử dụng vào nhiều việc khác. Thậm chí, trắc còn được dùng làm củi vì dân làng thấy gỗ từ loại cây này cháy rất đượm.

Vườn cây trắc được dân làng A Lao gìn giữ, chăm sóc đang phát triển xanh tốt

Tuy dân làng có chặt cây trắc nhưng chỉ đủ nhu cầu sử dụng nên rừng không bị xâm hại nhiều. Đến những năm 1980-1985, rất nhiều người từ nơi khác tới, đưa máy cưa, xẻ vào rừng tìm đốn hạ những cây trắc lớn. Hết gỗ lớn, họ chặt cả cây trắc nhỏ và đào cả gốc rễ cây trắc già mang đi. Từ đó, cây trắc trên rừng ở làng A Lao gần như “tuyệt chủng”.

Theo già H’Ngôm, trước đây, người dân không hề biết trắc là loại gỗ quý, có giá trị nên không quý trọng. Mãi đến khi có cán bộ kiểm lâm đến tuyên truyền là phải bảo vệ rừng, đặc biệt là cây trắc, thì người dân mới biết. “Lúc đó, tôi còn nghĩ ngày xưa chẻ gỗ trắc làm củi là đốt biết bao nhiêu tiền rồi” – già H’Ngôm tiếc nuối.

Khi dân làng biết được giá trị của gỗ trắc thì loài cây này gần như đã bị “tuyệt chủng” ở nơi đây. Người làng vào rừng tìm mãi cũng không thể thấy được cây tươi nào, thậm chí chỉ là gốc rễ. Nghĩ tới con cháu mai sau sẽ không còn có thể thấy loài cây này, người làng A Lao họp nhau lại, bắt đầu tìm cách khôi phục rừng gỗ trắc.

Xem như tài sản quý của gia đình

Anh Yoh (Trưởng thôn A Lao) cho biết từ khoảng 10 năm trở lại đây, người dân địa phương bắt đầu khôi phục vườn cây trắc. Đến nay, 180 hộ gia đình của làng đều có cây trắc trong vườn, rẫy. Nhà nào ít thì vài chục cây, nhà nhiều thì cả ngàn cây. Đa phần các cây này có đường kính 10-20 cm, cao trên 10 m.

Theo anh Yoh, cây trắc ở đây thường bị khai thác đào tận gốc. Tuy nhiên, nhờ sức sống mãnh liệt nên rễ cây còn lại cũng đâm chồi rồi lớn lên thành những cây con. Khi canh tác trong diện tích đất rẫy của mình, người dân thấy cây trắc con mọc lên sẽ giữ lại, chăm sóc để cây nhanh phát triển. Nếu cây trắc nằm rải rác thì người dân vẫn tận dụng khoảng trống để trồng cây nông nghiệp, còn nhà ai có cây trắc mọc tập trung thì dành hẳn phần đất này cho cây trắc phát triển.

Một cây trắc nhỏ được người dân chăm sóc

Gia đình anh Yoh cũng có khoảng hơn 1.000 cây trắc khoảng 8 năm tuổi. Theo anh Yoh, cây trắc lúc còn nhỏ cần làm 2-3 lần cỏ mỗi năm, khi cây phủ tán thì chỉ cần làm 1 lần. Trong trường hợp cây trắc mọc dày, sát nhau thì người dân sẽ đào đưa ra nơi khác trồng, tạo khoảng cách phù hợp.

Biết trắc là loại gỗ có giá trị kinh tế cao nên người dân làng A Lao ra sức trồng và chăm sóc, xem như tài sản quý của gia đình. Họ nghĩ rằng nếu đời mình không được hưởng thì đời con cháu có thể sẽ hưởng. 

Cần cơ chế khuyến khích

Ông Lê Lợi – Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang, huyện Mang Yang – cho biết làng A Lao có gần 1.000 nhân khẩu. Dân làng này đa phần có hoàn cảnh rất khó khăn, lâu nay sống phụ thuộc vào rừng. Hiện nay, xã có nguồn kinh phí từ quỹ dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ diện tích rừng hiện có. Tuy nhiên, diện tích cây trắc chủ yếu nằm trên đất nông nghiệp của người dân.

Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc mua bán trao đổi, để làm công tác bảo tồn gỗ trắc là chính. Tuy vậy, muốn người dân giữ lại toàn bộ diện tích gỗ trắc hiện có nhằm bảo tồn thì tỉnh cần có cơ chế khuyến khích. Cụ thể là hỗ trợ người dân ít kinh phí để họ có ý thức giữ gìn số lượng cây, không xảy ra việc trao đổi, mua bán lấy gỗ.


Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Chia sẻ