Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, đến nay đã có 1.657/1.713 doanh nghiệp (DN) trong các KCN trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại, đạt tỉ lệ 97%. Tổng số người lao động (NLĐ) trở lại làm việc là hơn 529.000 người, đạt tỉ lệ 86%. Những tháng cuối năm, đơn hàng nhiều, để duy trì và ổn định sản xuất, các DN đang có nhiều cách làm để chăm lo và giữ chân NLĐ.

Chăm lo thiết thực

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho biết đến nay, công ty có 24.000 công nhân (CN) đã đi làm trở lại, đạt tỉ lệ 90%. Nhằm hỗ trợ CN vơi bớt khó khăn do dịch Covid-19, công ty triển khai nhiều chính sách chăm lo thiết thực. Điển hình như trợ cấp cho gần 8.000 CN đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và lao động nữ mang thai; chi trả tiền ngừng việc trong thời gian từ ngày 22-7 đến 30-9-2021 cho 23.000 CN. Hiện công ty tiếp tục nhận hồ sơ xin hỗ trợ của 1.000 CN đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi để hỗ trợ trong những ngày tới đây.

Công nhân một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai trong giờ sản xuất

Đặc biệt, Công đoàn Công ty còn phối hợp với ngân hàng và Tổ chức Tài chính vi mô CEP hỗ trợ NLĐ (có thâm niên từ 3 năm trở lên) vay tiêu dùng trong tháng 11. Việc vay vốn từ CEP được áp dụng đối với CN thuộc tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, lãi suất cố định giảm còn 0,55%/tháng. NLĐ chỉ cần photocopy sổ hộ khẩu công chứng, chứng minh nhân dân (căn cước công dân) công chứng và bảng lương gần nhất là có thể vay tiêu dùng từ 13 tháng đến 23 tháng. Ở 3 tháng vay đầu tiên, CEP chỉ thu tiền lãi, bắt đầu từ tháng thứ 4 trở đi mới thu cả gốc và lãi. Qua thống kê ban đầu cho thấy khoảng 5.000 CN có nhu cầu vay tiêu dùng. Để thu hút NLĐ, công ty cũng có chính sách thưởng từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng cho CN cũ giới thiệu được 1 CN mới vào làm tại công ty. CN mới vào làm việc tại nhà máy cũng được thưởng từ 1,8 triệu đồng đến 2,1 triệu đồng tùy tay nghề. Trong khi đó, Công ty TNHH Advanced Multitech VN (huyện Nhơn Trạch) cũng có chính sách thưởng cho CN cũ 800.000 đồng nếu giới thiệu được 1 CN mới vào làm. NLĐ mới đến cũng được hỗ trợ 1 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho hay đến thời điểm này, tổng số NLĐ trở lại công ty làm việc mới đạt 64%. Để thu hút lao động, công ty có chính sách hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi CN ngoại tỉnh trở lại làm việc vào các ngày 8-11, 15-11. Công ty cũng gọi điện thoại cho từng NLĐ đã trở về quê trước đó để mời họ trở lại làm việc. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất những tháng cuối năm, công ty đang tổ chức tuyển dụng 1.000 lao động mới, mức lương khởi điểm đối với NLĐ mới chưa kể tăng ca từ 5 triệu -5,5 triệu đồng/tháng.

Xây dựng chính sách tốt

Qua tổng hợp thông tin từ các sở, ngành trong tỉnh, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất của DN và việc làm của NLĐ. Thời gian giãn cách quá dài nên nhiều NLĐ gặp khó khăn trong cuộc sống đã chủ động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) để về quê, tạo ra một đợt dịch chuyển lao động lớn. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 – 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết để ổn định tình hình lao động, giúp các DN nhanh chóng khôi phục sản xuất, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở đẩy mạnh thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động xây dựng các chính sách tốt nhằm giữ chân NLĐ. Ngoài ra, Công đoàn cơ sở chủ động đề xuất DN khen thưởng cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua trong sản xuất nhằm động viên họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động bố trí đón CN trở lại làm việc. Tuy nhiên, khi đón CN vào làm việc, DN cần cam kết hỗ trợ tiền nhà trọ, quan tâm nơi ở và các chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 để họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, cần có chính sách lâu dài để bảo đảm cuộc sống xa quê của NLĐ.

Sát cánh cùng Công đoàn các cấp, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi LĐLĐ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP HCM về việc hỗ trợ NLĐ quay lại DN làm việc. Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ là đoàn viên và NLĐ đã về quê, có nhu cầu quay lại DN làm việc (bao gồm cả NLĐ đang tạm hoãn HĐLĐ hoặc đang nghỉ việc không hưởng lương do dịch bệnh theo thỏa thuận với DN về quê và quay lại làm việc sau khi DN phục hồi sản xuất). Điều kiện để hỗ trợ, gồm: NLĐ đang làm việc theo HĐLĐ, có nhu cầu quay lại DN làm việc; bảo đảm phòng chống dịch theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Điều kiện đối với DN là có trích nộp kinh phí Công đoàn, có từ 5.000 lao động trở lên và sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, nơi ở, các nhu cầu thiết yếu khác cho đoàn viên và NLĐ. Hình thức hỗ trợ bằng tiền để Công đoàn cơ sở phối hợp với DN tổ chức phương tiện đón đoàn viên, NLĐ quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, NLĐ quay lại làm việc. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1-11 đến 31-12-2021. 

“Dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN bị đình đốn, việc làm và thu nhập của NLĐ cũng ảnh hưởng. Cùng với chính sách chăm lo của DN, tổ chức Công đoàn làm mọi cách nhằm ổn định đời sống NLĐ” – ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh .


Bài và ảnh: TÙNG LÂM

Chia sẻ