6 tháng đầu năm, du lịch cụm này gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Hậu Giang đón trên 16 triệu lượt khách (tăng 57,3% so với cùng kỳ), doanh thu đạt trên 12.500 tỉ đồng (tăng 54%). Tuy nhiên, khách lưu trú chỉ đạt 4,4 triệu lượt, trong đó Kiên Giang là 1,5 triệu lượt và Cần Thơ khoảng 1,2 triệu lượt; các tỉnh còn lại khoảng vài trăm ngàn lượt.

Du khách thích thú khi tham quan chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ

Chia sẻ về cách làm du lịch tại địa phương để níu chân du khách, bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, nói: “Kiên Giang có lợi thế về du lịch biển đảo. Ngày trước, khách đến Phú Quốc ở lại 3 ngày 2 đêm đã hết chỗ chơi nhưng hiện nay là 4 ngày 3 đêm vẫn chưa trải nghiệm hết các dịch vụ tại địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh”. Bà Lụa tiết lộ để khách lưu trú dài ngày, Kiên Giang đã quy hoạch sản phẩm dịch vụ, vui chơi giải trí và vận động doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm. Nhờ vậy, thời gian lưu trú của khách tại Kiên Giang lâu hơn các địa phương khác.

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, nhận định: “Du lịch nội địa phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc liên kết của các địa phương trong cụm phát sinh một số hạn chế, tồn tại. Đặc biệt, xuất hiện việc mỗi địa phương, doanh nghiệp tự làm, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Rất mong các địa phương trong cụm thông qua Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sớm tìm ra cơ chế điều phối liên kết phù hợp hiệu quả hơn”.

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho rằng hiện nay mỗi nơi đều tự làm lễ hội. Chẳng hạn như vừa qua Cần Thơ có Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Hậu Giang có lễ hội về cá thát lát và khóm, Cà Mau có ngày hội cua… Ông Nguyễn Chí Công, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, nêu: “Tôi cảm nhận là mạnh ai nấy làm, tự thân vận động là chính, sự liên kết chưa rõ. Cần có sản phẩm chung như làm lễ hội đặc sản của các địa phương rồi đem về một địa phương trong cụm và bán tour bán tuyến theo lễ hội này. Khách mua tour này phải rẻ hơn các tour khác từ 5%-10%. Năm sau, công ty đưa khách trở lại thì tiếp tục được ưu đãi từ 5%-10%… Làm như vậy sẽ giải quyết bước đầu lễ hội trùng lắp, sản phẩm trùng lắp. Qua đó cũng quảng bá giới thiệu, có hoạt động chung của cụm thì liên kết sẽ rõ hơn”.

Cái thiếu của du lịch ĐBSCL là thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu tiền của du khách cho hoạt động cho du lịch địa phương thấp hơn so với các vùng khác, trong khi kinh phí để đi đến ĐBSCL không hề thấp. Vì vậy, để du lịch ĐBSCL cất cánh thì đã đến lúc các địa phương “níu tay” nhau lại.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Bài và ảnh: Ca Linh