Những ngày cận Tết, người dân cả nước đang tất bật chuẩn bị đón năm mới thì ở “thủ phủ” sâm Ngọc Linh là huyện Tư Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, người dân còn hối hả hơn khi chuẩn bị tham gia phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần 2.

Phiên chợ lần này, huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhiều hoạt động nổi bật hơn phiên chợ lần trước. Trong đó có hội thi để tuyển chọn những củ sâm Ngọc Linh to, đẹp nhất để trao giải, đấu giá.

Những củ sâm to, đẹp nhất sẽ được tham gia Hội thi sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sắp tới

Gia đình ông A Ly (thôn Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) đang trồng 4.000 cây sâm Ngọc linh. Những ngày này, ông đang “đau đầu” khi không biết phải lựa chọn củ sâm Ngọc Linh nào để đưa đi tham gia hội thi. “Củ sâm nào của tôi cũng to, đẹp, khỏe mạnh và xứng đáng là “hoa hậu” cả nên không biết phải chọn củ nào. Tôi hi vọng củ sâm vườn nhà tôi được giải nhất, được đấu giá thì chắc chắn tăng giá trị” – ông A Ly bày tỏ.

Theo ông A Ly, vườn sâm Ngọc Linh của ông chủ yếu trồng để lấy hạt nhân giống, mở rộng vườn sâm. Riêng củ với lá sâm thì bán rất ít, giá cũng chưa cao. Ông đang chờ từng ngày để tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh lần 2. Lúc đó, ông có dịp giới thiệu cho khách về cách nhận biết sâm thật, giá trị của sâm thật và bán được hàng với giá cao.

Khách hàng có thể an tâm khi lựa chọn mua sản phẩm từ phiên chợ sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ lần đầu tiên do huyện Tu Mơ Rông tổ chức

Các sản phẩm được niêm yết giá để người dân lựa chọn

Còn ông Bùi Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, cho biết người dân kỳ vọng phiên chợ là dịp để họ bán được sâm Ngọc Linh với giá cao. Ngoài ra, thấy được chính sách phát triển các loại cây dược liệu là hướng phát triển đúng đắn, có giá trị cao giúp nhiều hộ làm giàu. Từ đó thay đổi nếp nghĩ của người dân trong việc chuyển đổi cây trồng sang trồng cây dược liệu, trồng sâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hợp tác xã, các đơn vị cũng kỳ vọng phiên chợ là sân chơi để các hợp tác xã trên địa bàn giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như xúc tiến tiềm năng phát triển du lịch.

Những loại củ giống sâm Ngọc Linh cũng được trưng bày để khách hàng so sánh, nhận biết

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, phiên chợ sâm Ngọc Linh là cơ hội để quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác của địa phương với khách hàng. Hiện Ban tổ chức đã nhận rất nhiều thư xin đăng ký tham gia phiên chợ từ người dân và các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Hiện đã có khoảng 264 mặt hàng đăng ký tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh lần 2

Đây cũng là cơ hội để huyện Tu Mơ Rông quảng bá các sản phẩm dược liệu khác ngoài sâm Ngọc Linh

Quan điểm của huyện xuyên suốt trong các phiên chợ là không chạy theo số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia mà chỉ chọn những đơn vị có uy tín về trồng sâm Ngọc Linh. Những đơn vị nào dính tai tiếng liên quan đến việc mượn danh sâm Ngọc Linh để trục lợi thì kiên quyết không phê duyệt tham gia. Đến nay, đã có tổng cộng 33 doanh nghiệp, hợp tác xã với khoảng 264 mặt hàng đăng ký.

Rất nhiều người đang chờ đợi phiên chợ sâm Ngọc Linh lần 2 được diễn ra

Bà Võ Thị Thu Hà (TP HCM) cho biết rất muốn mua sâm Ngọc Linh về sử dụng nhưng lo ngại sâm giả tràn lan. Qua đọc báo, thấy phiên chợ sâm Ngọc Linh do huyện Tu Mơ Rông công bố kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sâm tham gia, đặt máy kiểm định nếu khách hàng có nhu cầu nên rất yên tâm. Bà đang chờ ngày khai mạc phiên chợ để mua được những củ sâm Ngọc Linh thật.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần này diễn ra từ ngày 6-2 đến ngày 8-2. Trong thời gian này, sẽ có nhiều hoạt động như: diễn đàn sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch; hoạt động du lịch Famtrip Caravan khoảng 400 khách; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như Giải bóng đá cúp K5 huyện Tu Mơ Rông; Liên hoan ẩm thực huyện Tu Mơ Rông lần thứ nhất và Liên hoan Cồng chiêng; hoạt động ngày hội định hướng nghề nghiệp và việc làm; Lễ hội khinh khí cầu “Bay về miền Quốc bảo”…


Hoàng Thanh