Hội nghị tổng kết năm 2022 (ngày 28-12) của Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) đã ghi nhận 1 năm thành công của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm TP HCM

Theo báo cáo của FFA, trong năm 2022, kinh tế TP HCM phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, chỉ số công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 29,4%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa lương thực thực phẩm tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là những tín hiệu khả quan giúp các doanhnghiệp hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2023. 

Thay mặt FFA, ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực FFA, cho biết năm 2023, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm đối mặt với 3 thách thức và 3 cơ hội lớn.

Trong đó, các thách thức đến từ diễn biến kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái, còn nhiều biến động; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp… Trong nước, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, tỷ giá, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực… Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Thành phố nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm nói riêng. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tich FFA (giữa) nhận bằng khen của UBND TP HCM tại hội nghị tổng kết chiều 28-12

Dù vậy, doanh nghiệp cũng đứng trước cơ hội khởi sắc mạnh mẽ khi lạm phát toàn cầu đang dịu dần, giá xăng dầu – khí đốt và hàng hóa khác đang giảm nhẹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn cầu dự báo tăng khoảng 6,5% năm 2023 từ mức bình quân 8,5% năm 2022 và có thể về mức 4% năm 2024. 

Trung Quốc mở biên trở lại cùng với việc tăng cường hợp tác, nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 sẽ là cơ hội rất lớn cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic tạo điều kiện để hàng nông sản, lương thực thực phẩm Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Cơ hội lớn còn do nền kinh tế vĩ mô trong nước giữ được tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát, đẩy mạnh đầu tư công sẽ là tiền đề cho các nghành nghề phát triển ổn định. Đặc biệt, năm 2023, Chính phủ tập trung ưu tiên phát triển vào ba lĩnh vực chính là: sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước, trong đó lấy nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ, thúc đẩy tăng cường chế biến sâu, bền vững. 

Cũng tin tưởng ngành chế biến lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thành phố nói chung trong thời gian tới, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hiện các doanh nghiệp ngành này đang tập trung mọi nguồn lực để chuẩn nguồn hàng phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán, kết hợp triển khai nhiều chương trình kích cầu, tiêu dùng để chia sẽ khó khăn với người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. 

Bà Ngọc đề nghị FFA với vai trò là cầu nối đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp, tiếp tục phát huy tối đa vai trò kết nối, đồng hành và kiến tạo của mình, tập hợp đoàn kết, quy tụ sức mạnh của đông đảo các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm, tiếp tục nắm bắt tình hình, là đầu mối ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, FFA tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Sở Công Thương để kịp thời có ý kiến tham mưu, đề xuất cho Thành phố về các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là tham mưu và phối hợp chặt chẽ cùng với Sở Công thương để triển khai hiệu quả các đề án, dự án trong chương trình Phát triển ngành lương thực thực phẩm giai đoạn 2021-2030 của Thành phố.


T. Nhân