Reuters ngày 18-2 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Michael Carpenter cho biết Nga có thể đã tăng cường khoảng 169.000-190.000 nhân viên quân sự tại và gần biên giới Ukraine so với ước tính 100.000 người vào ngày 30-1. 

Theo ông Carpenter, Washington đánh giá đây là đợt triển khai quân sự quan trọng nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trước đó, Mỹ cho rằng quân số Nga tập trung tại và gần biên giới Ukraine lên tới hơn 130.000 người cùng với nhiều thiết bị quân sự khác.

Trụ sở OSCE ở Vienna – Áo ngày 15-2. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, đài RT ngày 18-2 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận tên lửa đạn đạo dự kiến tổ chức vào ngày 19-2. Trong cuộc tập trận, quân đội Nga sẽ thử nghiệm khả năng hạt nhân của mình. 

“Vào ngày 19-2, dưới sự giám sát của Tổng Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Vladimirovich Putin, một cuộc tập trận theo kế hoạch của các lực lượng răn đe chiến lược sẽ diễn ra, bao gồm hoạt động phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình” – các quan chức Nga thông báo.

Cuộc tập trận nhằm mục đích kiểm tra sự sẵn sàng của các đơn vị quân đội, tàu chiến và tàu sân bay tên lửa, đồng thời kiểm tra độ tin cậy của vũ khí hạt nhân chiến lược và phi hạt nhân.

Điện Kremlin giải thích một cuộc tập trận như vậy sẽ không thể được tổ chức nếu không có nguyên thủ quốc gia giám sát.

Nga thử tên lửa đạn đạo Sarmat mới. Ảnh: Sputnik

Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong tuần qua, bao gồm ở nước láng giềng Belarus, gần biên giới Ukraine. Các nhà lãnh đạo phương Tây cảnh báo đó là dấu hiệu Nga có thể chuẩn bị tấn công Ukraine nhưng Moscow phủ nhận. 

Ngày 15-2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ rút một số binh sĩ đã hoàn thành khóa huấn luyện ở Belarus về lại các căn cứ thường trực của họ. Tuy nhiên, Mỹ nói rằng họ không thấy bằng chứng nào về việc Nga rút quân, thay vào đó Moscow còn tăng quân gần biên giới Ukraine.

Ngày 17-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ​​Nga “sẽ tấn công Ukraine trong vài ngày tới”. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc này và mô tả nó “làm gia tăng căng thẳng”.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ