Theo Reuters, Điện Kremlin khẳng định nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga và sẽ vẫn như vậy.

Trước đó, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân do nhà nước điều hành của Ukraine tuyên bố “có những dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga đang chuẩn bị rời khỏi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu mà họ nắm giữ từ tháng 3 năm nay, ít ngày sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24-2”.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 28-11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận tuyên bố trên.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, cho biết ông “không nghi ngờ gì về việc lực lượng Nga sẽ rời khỏi nhà máy Zaporizhzhia, nơi các nhân viên Ukraine vẫn đang phụ trách công việc”.

“Các tuyến phòng thủ đang bắt đầu rút về biên giới Liên bang Nga” – ông Podolyak nói với kênh truyền hình Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Ukraine sẽ lấy lại nhà máy này.

Quân đội Ukraine tuần trước cho hay khoảng 30 quân nhân Nga đã bị thương gần Enerhodar, thị trấn gần nhà máy nhất.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc – Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – muốn tạo ra một khu vực bảo vệ xung quanh nhà máy Zaporizhzhia.

Cùng ngày 28-11, Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Mỹ đang cân nhắc gửi vũ khí tấn công có tầm bắn lên tới 160 km cho Ukraine.

Theo đó, Lầu Năm Góc đang xem xét đề xuất của tập đoàn Boeing nhằm cung cấp cho Ukraine những quả bom chính xác nhỏ, giá rẻ được gắn vào các tên lửa hiện có, sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023. Chúng cho phép Kiev tấn công phía sau các phòng tuyến của Moscow ở Ukraine.

Ukraine phải đối mặt với nhu cầu vũ khí tinh vi ngày càng tăng khi giao tranh với Nga kéo dài.

Cả Boeing lẫn Lầu Năm Góc đều không bình luận về thông tin do Reuters đăng tải.


Hải Ngọc – Phạm Nghĩa