Năm 2020, vợ chồng ông Đ.V.C (SN 1960) ký hợp đồng đặt cọc với ông N.V.S (SN 1959) nhằm chuyển nhượng khu nhà xưởng cùng quyền sử dụng gần 1.000 m2 đất ở TP HCM.

Ông S. và ông C. vốn là bộ đội, chiến đấu chung một đơn vị ở chiến trường biên giới Tây – Nam (giai đoạn 1977 – 1978). Xuất ngũ rồi mỗi người một nơi. Gặp lại sau nhiều năm, 2 người tin tưởng hợp tác kinh doanh.

Sứt mẻ tình đồng đội

Kèm theo thỏa thuận mua – bán đó là cả chuỗi rắc rối liên quan đến vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ việc tách thửa, phân lô mảnh đất.

Theo hợp đồng đặt cọc, vợ chồng ông Đ.V.C chuyển nhượng khu đất cùng nhà xưởng (trên đất) cho ông N.V.S với giá 40 tỉ đồng. Ông S. đặt cọc 3 tỉ đồng. Ngoài ra, ông S. trả 3,5 tỉ đồng tiền chuyển nhượng đất. Hợp đồng nêu rõ thời hạn ký công chứng chuyển nhượng tối đa là 15 ngày làm việc, kể từ ngày bên bán – vợ chồng ông C. thông báo hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất (từ đất sản xuất phi nông nghiệp sang đất ở) rồi phân lô thành 10 mảnh nhỏ (khoảng 100 m2/lô).

Nhắc đến khúc mắc với đồng đội, ông S. kể lúc ký hợp đồng đặt cọc, vợ chồng ông C. giấu việc họ đã thế chấp ngân hàng toàn bộ nhà xưởng cùng quyền sử dụng đất. Đến cuối năm 2020, vợ ông C. “cầu cứu” ông S. với lý do gia đình đang thiếu hơn 3 tỉ đồng để đóng tiền sử dụng đất. Muốn đẩy nhanh tiến độ, ông S. chuyển thêm 3,5 tỉ đồng.

Hồ sơ thể hiện 2 bên thống nhất đây là tiền đặt cọc lần hai. Bên bán có ký xác nhận tổng số tiền bên mua thanh toán tiền đặt cọc là 6,5 tỉ đồng.

Không lâu sau, ông C. mời ông S. đến nhà bàn thảo công việc. Vợ ông C. đề nghị tăng giá chuyển nhượng thêm 5 tỉ đồng; yêu cầu ông S. hỗ trợ trả lãi ngân hàng. Nghe đến đây, ông S. mới biết tài sản ông định mua đang bị ngân hàng quản lý. Suốt buổi nói chuyện, ông C. ngồi im, để mặc vợ toàn quyền thương lượng. Tất nhiên, ông S. không thể xuôi theo phương án bất lợi đối với mình mà đưa ra 2 giải pháp: Nếu không thực hiện tiếp hợp đồng, bên bán hoàn trả toàn bộ tiền cọc, bồi thường 100% tiền cọc. Trường hợp hợp đồng tiếp tục, bên bán có nghĩa vụ hoàn tất thủ tục tách thửa, phân lô đất.

Hai ông giằng co nhiều ngày. Có lúc nóng giận, họ còn nặng lời với nhau. Hợp đồng tín dụng đến hạn nhưng vợ chồng ông C. không tất toán khoản nợ nên ngân hàng thu giữ và phát mãi khối tài sản trên. Đó chính là thời điểm mâu thuẫn giữa 2 bên lên đến đỉnh điểm, kéo dài đến tận bây giờ…

Níu giữ một chữ tình

Vừa tức vì mất tiền vừa giận đồng đội từng một thời “đồng cam cộng khổ”, ông S. khởi kiện đòi tiền đặt cọc mua tài sản và tiền bồi thường.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa ông N.V.S – nguyên đơn với vợ chồng ông Đ.V.C – bị đơn kéo dài nhiều ngày.

Rất nhiều lần, HĐXX mong mỏi 2 bên có thiện chí tìm tiếng nói chung. “Như vậy, 2 ông có thể cứu vãn tình bạn, tình đồng đội bao năm. Tiền thì quý thật nhưng chúng tôi nghĩ thời gian các ông kề vai sát cánh trong chiến tranh còn quý hơn nhiều” – một thành viên HĐXX nói.

Trước tòa, nguyên đơn trình bày: “Lúc hợp tác làm ăn, tôi tin tưởng bạn vì những kỷ niệm chúng tôi có cùng nhau khi đi bộ đội. Sống sót, lành lặn trở về, dù mất liên lạc nhiều năm nhưng tôi chưa bao giờ quên đồng đội. Nhưng tôi không thể chấp nhận mất trắng tiền một cách vô lý như thế. Nếu nghĩ đến tình đồng đội thì vợ chồng ông C. không nên đối xử với tôi như vậy”.

“Thưa quý tòa, nguyên đơn nói có phần không đúng sự thật. Thời điểm ký hợp đồng đặt cọc, vợ chồng tôi có nói rõ với ông ấy về tình trạng bất động sản đang thế chấp ở ngân hàng. Đồng thời, các bên thỏa thuận rất rõ trong hợp đồng: chúng tôi chỉ hỗ trợ ông S. khi làm việc với cơ quan chức năng nhằm hoàn tất thủ tục tách thửa, phân lô. Chúng tôi không có trách nhiệm hoàn thành tất cả thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất” – vợ ông C. giải thích.

Nêu quan điểm trước tòa, phía bị đơn không đồng ý hoàn trả tiền cọc mà chỉ chấp thuận trả lại 3,5 tỉ đồng do ông S. có lỗi vì không xây dựng cơ sở hạ tầng trên khu đất, không thực hiện phân lô đất như kế hoạch. Ông C. chất vấn ngược lại: “Vì kỷ niệm một thời đi bộ đội, tôi mới chấp nhận giá bán 40 tỉ đồng. Nếu người khác mua thì giá chắc chắn cao hơn. Sao anh S. không nghĩ đến mà nhất định o ép vợ chồng tôi?”.

Cứ như vậy, phần tranh luận kéo dài đến buổi xét xử thứ ba. Tòa sơ thẩm quyết định nghị án kéo dài. Chủ tọa phiên tòa luôn kiên trì mong 2 bên tự nguyện đồng thuận một phương án vẹn đôi đường.

Dĩ nhiên, cuối cùng tòa án cũng phải ra phán quyết. Có điều đến lúc đó, tình nghĩa đồng đội giữa 2 người từng sống chết có nhau liệu có còn hay đã “đổ sông, đổ biển”. 

Đề nghị công nhận tài sản thế chấp

Đại diện ngân hàng khẳng định phía ngân hàng không biết chuyện vợ chồng ông C. ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng bất động sản, dù chưa tất toán khoản vay. Vì vậy, người đại diện ngân hang đề nghị tòa án công nhận mảnh đất rộng gần 1.000 m2 cùng tài sản gắn liến với đất (nhà xưởng – PV) là tài sản thế chấp để ngân hàng tiếp tục xử lý tài sản, bảo đảm thu hồi nợ.


Di Lâm