Tập sách “Loanh quanh Sài Gòn” của Lê Công Sơn (NXB Tổng hợp TP HCM, 2020) là học theo cách thứ hai, nhằm bổ sung cho cách học thứ nhất. Những gì đã được các nhà sử học ghi trên giấy trắng mực đen, nay với tư cách nhà báo, anh đã có điều kiện soi rọi lại từ thực tế, qua đó phát hiện những chi tiết mà không phải ai cũng tường tận.

Với cách học này, không chỉ hữu ích cho riêng anh mà còn cho người yêu thích lịch sử nước nhà. Phải nói rằng chính quan sát, kiểm chứng từ thực địa, anh đã có một vài đóng góp như nói lại cho đúng đôi điều mà lâu nay nhiều người hiểu chưa đúng. Thú vị là ở chỗ đó. Cũng từ thực tế, anh mô tả cho ta thấy một vài di tích qua thăng trầm thời gian, nay thế nào? Và với tư cách nhà báo, anh đã góp phần gióng lên tiếng chuông báo động nhằm chấn chỉnh, phục hồi lại các chứng nhân của lịch sử đang xuống cấp theo thời gian.

Bìa sách “Loanh quanh Sài Gòn”

“Loanh quanh Sài Gòn”, cái nhan đề khiến ta nghĩ đến sự nhàn nhã, cưỡi ngựa xem hoa theo phong cách tài tử, thư giãn của tâm thế người dạo mát mỗi chiều. Không đâu, tập sách của anh với từ “loanh quanh” là nhằm thể hiện khiêm tốn với những gì nhìn thấy đã và đang diễn ra tại vùng đất này, về mặt di tích lịch sử, chứ không mở rộng không gian. Xét ra, chủ đề của tập sách này chính là chỗ đó.

Ngay cả thông tin đã cũ, anh cũng cho biết thêm chi tiết mới. Chẳng hạn với nhiều người có thể là lần đầu biết đến một chi tiết lạ lùng, về ngôi nhà thờ cổ nhất Sài Gòn “La Sainte Enfance”, khởi công xây dựng năm 1862: “Xơ Anna cho biết: Không hiểu sao bàn ghế và gạch ở nhà nguyện không cần lau nước mà chỉ cần chùi bằng sáp là đã bóng loáng. Phần vôi vữa kết dính giữa các viên gạch chắc như đá. Muốn thay viên nào thợ phải đục cả tiếng đồng hồ. Phần tường nhà, trần, móng nền, dù nằm ngay sát bờ sông nhưng theo thời gian vẫn chẳng có gì thay đổi, tòa nhà hoàn toàn không có hiện tượng lún nứt như một số công trình bây giờ”…

Nhờ vậy, tập sách “Loanh quanh Sài Gòn” có nét hấp dẫn của nó.


Lê Minh Quốc

Chia sẻ