Dưa lưới là loại trái cây được trồng nhiều bởi giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng cùng thời gian trồng ngắn. Tại Việt Nam, các giống dưa lưới đang trồng chủ yếu được nhập từ Úc, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. Hiện nay một số công ty trong nước cũng đã sản xuất hạt giống dưa lưới F1, tuy nhiên nhu cầu về giống đối với dưa lưới vẫn rất lớn.

Từ nhu cầu thực tế này Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM (thuộc Sở NN&PN-NT TP HCM) đã chủ động thực hiện những nghiên cứu để chọn tạo ra các giống lai mới có chất lượng tốt để phục vụ sản xuất.

Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM đã triển khai các hoạt động lai tạo, trồng khảo nghiệm cơ bản tại TPHCM và An Giang, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã chọn ra được hai tổ hợp lai (THL) dưa lưới và tổ chức khảo nghiệm sản xuất với các giống đối chứng, cũng như sản xuất hạt lai F1.

Khu vực trồng dưa lưới lấy hạt F1 tại Trung tâm Công nghệ TP HCM

Môi trường thực hiện trồng khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất được triển khai tại một số đơn vị chuyên trồng dưa lưới có trang bị nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt. Dưa lưới khảo nghiệm được trồng trên giá thể (mụn xơ dừa), bón phân kết hợp qua đường nước tưới.

ThS. Đoàn Hữu Cường, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết qua những quy trình đánh giá và giám định, hai giống dưa lưới F1 sản phẩm của đề tài được xác định có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn đúng giống, sạch bệnh, hạt giống không bị dị dạng, tỷ lệ nảy mầm ≥ 95%, độ sạch ≥ 98%, ẩm độ ≤ 10%.

Về chất lượng, so với giống đối chứng TL3 (là giống dưa lưới được bán nhiều nhất hiện nay), hai giống dưa lưới F1 được chọn là hai tổ hợp lai THL 01 và THL 08 cho năng suất ổn định, lần lượt ở mức 35-40 và 30-33 tấn/hécta, so với 30,31 – 33,94 tấn/hécta của giống TL3.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận từ thực tế là hai THL 01 và THL 08 ít bệnh sương mai, phấn trắng và virus. Sản phẩm thu hoạch có dạng quả oval, thịt quả màu cam (THL01) hay trắng xanh (THL08), thịt quả giòn, ngọt, bảo quản lâu, thích hợp cho vận chuyển xa, độ đồng đều cao.

Hai THL dưa lưới được chọn cũng có số ngày thu hoạch trong khoảng 73-75 ngày, tương đồng với mức 74-75 ngày ở giống đối chứng TL3. Hạt giống dưa lưới lai F1 của đề tài với giá sản xuất từ 500-700 đồng/hạt, thấp hơn nhiều so với hạt giống nhập (từ 2.000 đến 5.000 đồng/hạt).

“Có tổng cộng 68 chỉ tiêu tính trạng được đánh giá theo Quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, trong đó một số tính trạng chính được đề cập trong Quy chuẩn khảo nghiệm của Liên minh quốc tế bảo hộ giống cây trồng mới về dưa lưới. Các kết quả cho thấy, các tính trạng của THL 01 và 08 khác biệt so với các giống đối chứng, không thay đổi qua mùa vụ nên đạt tiêu chuẩn để được chọn làm giống cây trồng mới, sẵn sàng đưa vào sản xuất trên quy mô lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà TP HCM đang hướng đến” – ThS. Đoàn Hữu Cường thông tin.


Mai Chân

Chia sẻ