Báo SGGP – Đầu tư Tài chính phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia” ngày 12-5.

Toàn cảnh tọa đàm

  • Sửa đổi Luật Các tổ chức Tín dụng phù hợp thông lệ quốc tế

  • Công bố Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Viễn thông

Buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 2 luật là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng tổ Tư vấn Kinh tế Chính phủ, cho rằng Luật Viễn thông (sửa đổi) cần đặt vào trong các luật liên quan, trong đó có Luật Thương mại Điện tử, Luật Giao dịch điện tử, Luật các tổ chức tín dụng và cả Luật Dân sự. Đặc biệt, cần tách bạch dữ liệu cá nhân và dữ liệu doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể dùng chung dữ liệu.

Các doanh nghiệp có thể sử dụng thông tin của người dùng, các dịch vụ điện tử… để phân tích thông tin, tạo ra nền tảng big data (dữ liệu lớn), được dùng chung chứ không phải cấm. Còn thông tin cá nhân chi tiết, bí mật thì tích hợp trong căn cước công dân, để tránh tình trạng bán thông tin cá nhân.

Chia sẻ về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng luật này cần đảm bảo khi nền kinh tế có bất ổn, hệ thống các ngân hàng phải đứng ra hỗ trợ dân vượt qua khó khăn. Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, khả năng vỡ nợ của các ngân hàng số thấp hơn nhiều so ngân hàng truyền thống mà còn có thể chống rửa tiền, chống khủng bố…

Ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cũng cho rằng ở Việt Nam chưa có ngân hàng số. Trong dự thảo Luật cũng chưa có quy định nào có liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của ngân hàng số.

“Để hoàn chỉnh hơn nữa thể chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam, Chính phủ cần bổ sung những quy định về nguyên tắc chung tại dự thảo Luật để có cơ sở giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động tài chính ngân hàng có sự tham gia của các công ty Fintech. Đồng thời, bổ sung quy định về khái niệm về ngân hàng số và nguyên tắc chung để Chính phủ, NHNN quy định cụ thể việc cấp phép thành lập và hoạt động của ngân hàng số tại Việt Nam” – ông Dương Quốc Anh nhấn mạnh.


S. Nhung