Ông Đào Ngọc Dung nhận định: Bộ Luật Lao động gồm 17 chương và 220 điều, với nhiều nội dung mới. Do tính chất phức tạp và nhiều vấn đề cần tiếp tục lấy ý kiến nên cần phải ban hành 22 văn bản khác nhau gồm 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 thông tư của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thực hiện. Các văn bản hướng dẫn dưới luật cần nghiên cứu thấu đáo một số nội dung như: Vấn đề tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ), tiền lương tối thiểu, bình đẳng giới, quy định độ tuổi lao động trẻ em khi tham gia làm việc trong một số ngành, nghề có tính đặc thù… “Tất cả những vấn đề đó cần phải nghiên cứu rất thấu đáo, làm sao để vừa phù hợp với thực tiễn vừa giải quyết khúc mắc và phù hợp với các cam kết quốc tế” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng để thực hiện đúng cam kết trước Quốc hội và Chính phủ, khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực vào ngày 1-1-2021, các văn bản dưới luật, các thông tư do Bộ LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm xây dựng cũng đồng thời được ban hành, không để tình trạng bộ luật này phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đến nay, thời gian chuẩn bị cho các văn bản chỉ còn 3 tháng, do vậy chậm nhất đến đầu tháng 6-2020, các dự thảo nghị định, thông tư phải được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành. Về lĩnh vực BHXH, ông Đào Ngọc Dung cho rằng việc xây dựng và ban hành nghị định sẽ là nền tảng để giải quyết triệt để tình trạng trốn, nợ BHXH, mở đường cho việc phát triển BHXH tự nguyện, tiến tới thực hiện BHXH đa tầng cũng như BHXH toàn dân trên cơ sở nguyên tắc đóng – hưởng, bình đẳng, chia sẻ.


N.Tú