Trong khoảng 10-20 năm qua, người miền Tây chứng kiến những đổi thay khi có thêm nhiều cây cầu lớn như: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Đầm Cùng, Vàm Cống, Cái Lớn – Cái Bé, Cao Lãnh. Từ đó, các bến phà lùi vào quá khứ như: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống, Tắc Cậu, Đầm Cùng, Cao Lãnh.

Vui mừng khi có thêm nhiều cầu lớn vượt sông, tô thêm dấu son trên bản đồ giao thông đồng bằng nhưng lòng người chắc không khỏi bâng khuâng khi có thêm bến phà Cao Lãnh chấm dứt hoạt động. Những bến phà ở miền Tây không chỉ là cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu, những chiếc phà không chỉ là phương tiện vượt sông đánh dấu một giai đoạn phát triển cơ giới của miền lục tỉnh xưa mà còn là văn hóa, là miền ký ức tuổi thơ, một thời tuổi trẻ hay là sinh kế gắn bó bao phận đời.

Những chuyến phà vùng sông nước đã đi vào văn thơ, nhạc họa, tiểu thuyết tự nhiên như tính cách người miền Tây. Những câu ca “Bậu sang phà Rạch Miễu, qua lẽo đẽo theo sau/ Đội bóng trăng trên đầu, màu hường tưởng áo cô dâu”, “Anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ”… mãi còn vương vấn.

Tiểu thuyết “Người tình” (L’Amant) của nữ văn hào Pháp Marguerite Duras, sau được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, cũng được tác giả lấy cảm hứng từ một chuyến phà ở miền Tây năm 1929, bối cảnh là miệt Sa Đéc, Cao Lãnh, Đồng Tháp ngày nay.

Trong đời thực, không chỉ du khách có nhiều ấn tượng đẹp, thích thú về những chuyến phà miền Tây mà nhiều người lớn lên, trải qua những năm tháng mưu sinh gắn liền với những chuyến phà vượt sông. Phà Cao Lãnh tồn tại trăm năm qua là một phần ký ức của người dân. Dù không nằm trên “đường cái quan” Quốc lộ 1 như phà Mỹ Thuận, Cần Thơ, Đầm Cùng nhưng Cao Lãnh cũng để lại dấu ấn, góp phần quan trọng cho giao thông, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của miền đất Đồng Tháp Mười “khuất nẻo” xưa.

Cầu Cao Lãnh hôm nay thay phà, đang mở ra kết nối mới với 3 trục giao thông xương sống từ Quốc lộ 1, đường cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ nối với cầu Vàm Cống qua Quốc lộ 91C, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trong tương lai.

Hình ảnh những chiếc phà Cao Lãnh cần mẫn nối đôi bờ sông Tiền trôi vào dĩ vãng như một chọn lựa khép lại một phần quá khứ nhưng những ký ức về nó, một phần lịch sử vùng đất Nam Bộ sẽ còn mãi với đời sau nếu chúng ta biết trân trọng, giữ gìn. Cầu Cao Lãnh sừng sững vượt sông hôm nay vẫn không che khuất bóng dáng những chiếc phà trong hoài niệm. Một bến phà trăm năm có thể mất đi trong hiện thực nhưng vẫn tồn tại ngàn năm trong lòng người.


Trần Hiệp Thủy

Chia sẻ