The New York Times ngày 4-6 dẫn lời các quan chức Israel cho biết súng laser của họ đã thực hiện thành công một loạt vụ thử nghiệm bắn đạn thật gần đây ở sa mạc phía Nam, phá hủy một tên lửa, một quả đạn cối và một máy bay không người lái.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố Israel là “một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới” phát triển loại vũ khí như vậy.

Chính phủ Israel đã phân bổ hàng trăm triệu USD để phát triển loại vũ khí này. Nó được Thủ tướng Naftali Bennett mô tả là “kẻ thay đổi cuộc chơi chiến lược”. Ông cũng cam kết “bao bọc Israel bằng một bức tường laser”.

Súng laser mới có thể bổ sung cho hệ thống Iron Dome của Israel. Ảnh: The New York Times

Các chuyên gia tham gia phát triển hệ thống trên cho biết nó còn vài năm nữa mới có thể đi vào hoạt động ngoài thực địa. Họ cảnh báo ngay cả lúc đó, vũ khí cũng bị hạn chế trong việc bảo vệ Israel khỏi hỏa lực mạnh. 

Giới chức Israel chưa cho biết liệu nó có hiệu quả đối với tên lửa dẫn đường chính xác mà Tel Aviv cho là do phong trào Hezbollah đang phát triển ở Lebanon hay không.

Trong khi đó, ít nhất một vũ khí laser, Helios của Tập đoàn Lockheed Martin, đã bắt đầu được triển khai trên các tàu Hải quân Mỹ.

Ông Thomas Karako, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, bình luận: “Có rất nhiều hứa hẹn về laser. Đây không phải là khoa học viễn tưởng nữa”.

Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu vũ khí laser, bao gồm những vũ khí mạnh hơn có thể bắn hạ tên lửa hành trình và tiến tới việc triển khai, theo ông Karako.

Tuy nhiên, chưa có loại laser nào được thử nghiệm thực chiến và chùm tia laser có những hạn chế lớn, chẳng hạn như không thể bắn xuyên qua các đám mây.

Hệ thống phòng không laser trên mặt đất của Israel, được đặt tên là Iron Beam, nhằm bổ sung chứ không phải thay thế các thành phần khác trong kho vũ khí phòng không của Israel, bao gồm Iron Dome – hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn nổi tiếng.

Bộ Quốc phòng Israel gần đây trao hợp đồng trị giá hơn 100 triệu USD cho Hệ thống Phòng thủ tiên tiến Rafael thuộc sở hữu nhà nước, nhà sản xuất hệ thống laser chính.

“Chúng tôi đã nghiên cứu công nghệ laser trong khoảng 20 năm” – ông Michael Lurie, phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận hệ thống điều khiển mặt đất của Rafael, nói trong một cuộc phỏng vấn. 

“Chúng rất cồng kềnh, to lớn và không hiệu quả. Chúng tôi gặp vấn đề về năng lượng, giám sát và khả năng đâm xuyên qua bầu khí quyển. Nhưng trong vài năm qua, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề khoa học. Bây giờ, chúng tôi phải đối mặt với những thách thức về kỹ thuật. Nhưng chúng tôi biết hệ thống này hoạt động”.


Phạm Nghĩa