Sáu doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trong KCN Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa tham gia ký kết bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm. Đây là chương trình thí điểm trong khung khổ Dự án quan hệ lao động mới – NIRF.

Đem ích lợi đến cho cngười lao động

Sáu DN tham gia ký kết TƯLĐTT gồm: Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam, Công ty CP Johnson Wood, Công ty TNHH Home Voyage Việt Nam, Công ty TNHH Timber Industries, Công ty TNHH Cariyan Wooden Việt Nam và Công ty TNHH gỗ Lee Fu Việt Nam.

Người lao động một doanh nghiệp chuyên ngành gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giờ làm việc

Nội dung TƯLĐTT gồm: Hằng năm, DN xét nâng lương cho người lao động (NLĐ) đủ điều kiện và tiêu chuẩn nâng lương theo thang bảng lương và quy chế nâng lương; mức lương ít nhất bằng 5% mức lương theo công việc, chức danh. DN tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở xét thưởng cho NLĐ căn cứ vào thời gian làm việc thực tế, điều kiện và tiêu chuẩn xét thưởng. Mức thưởng ít nhất bằng 1 tháng lương theo công việc, chức danh và thông báo cho NLĐ biết trước ngày nghỉ Tết nguyên đán chậm nhất là 15 ngày. Trị giá cho mỗi suất ăn giữa ca của NLĐ ít nhất bằng 16.000 đồng (không tính thuế giá trị gia tăng). Bản TƯLĐTT nhóm có hiệu lực trong vòng 1 năm.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Chang Chung Ping, Tổng Giám đốc Công ty CP Johnson Wood, cho rằng việc tham gia ký kết TƯLĐTT thể hiện sự quan tâm của DN đối với NLĐ, giúp họ tin tưởng, an tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN. “Thông qua CĐ cơ sở, giữa chủ DN và NLĐ sẽ hiểu nhau nhiều hơn, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của đôi bên, đặc biệt là hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, đình công, lãn công, ảnh hưởng đến DN và việc làm của NLĐ” – ông Chang khẳng định. Còn ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, cho hay trên địa bàn tỉnh, hiện đang đối mặt với sự dịch chuyển lao động lớn bởi lao động ngoại tỉnh có xu hướng không trở lại Đồng Nai làm việc sau những kỳ nghỉ Tết dài ngày mà ở lại quê nhà để làm việc. “Làm việc ở quê giúp NLĐ giảm được nhiều khoản chi phí như tiền thuê nhà, chi phí đi lại, ăn uống, sinh hoạt… Do đó, nếu không có những chính sách tốt để giữ chân NLĐ, các DN ở Đồng Nai sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động” – ông Tịnh bày tỏ.

Ngăn ngừa tranh chấp

Thực tế thời gian qua cho thấy trong tổng số các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công có không ít vụ liên quan đến các DN chuyên ngành gỗ. Phần lớn nguyên nhân là do chủ DN chưa thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích của NLĐ như: chậm nâng lương theo quy định, chất lượng bữa ăn giữa ca chưa bảo đảm để tái tạo sức lao động cho NLĐ, chậm thông báo mức thưởng Tết hoặc mức thưởng Tết năm sau thấp hơn năm trước… Có những DN bị đình công kéo dài cả tuần gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, chất lượng các đơn hàng. Mặt khác, việc đình công còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo nhận định của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, LĐLĐ tỉnh và các chuyên gia trong dự án NIRF, để xây dựng một bản TƯLĐTT cho một nhóm ngành nghề nào đó không phải dễ. Bởi đặc điểm, tình hình của mỗi DN không giống nhau. Để đi đến việc ký kết cần có sự thống nhất cao giữa các DN tham gia trong nhóm và các cơ quan chức năng liên quan. Trong đó, tổ chức CĐ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho chủ DN những điều khoản đem đến quyền lợi cho cả NLĐ và chủ DN.

“Việc ký kết TƯLĐTT nhóm DN chuyên ngành gỗ trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa giữa NLĐ và chủ DN. Trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp, quan tâm, hỗ trợ để các nhóm DN chuyên ngành khác thực hiện các bản TƯLĐTT nhóm với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ” – bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định. 

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Hạn chế tình trạng “nhảy việc”

TƯLĐTT nhóm là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa giữa NLĐ và chủ DN. Việc ký kết các bản TƯLĐTT nhóm đang là xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Khi các DN cùng chuyên ngành có những quy định, thỏa ước tương tự nhau sẽ tạo sự phát triển và cạnh tranh công bằng. Điều này cũng hạn chế tình trạng NLĐ “nhảy việc” từ DN này sang DN khác do chất lượng của các chế độ đãi ngộ của DN.


Bài và ảnh: TÙNG LÂM