Theo trang Science Alert, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một hệ thống máy bơm, cảm biến và đường ống kết nối với động mạch của heo; kết hợp với một dung dịch gồm 13 loại thuốc khác nhau, hòa với máu theo tỉ lệ 1:1, bơm vào hệ tuần hoàn. Khi tim ngừng đập, sự lưu thông máu bị cắt đứt gây thiếu máu cục bộ, dẫn đến một loạt hiệu ứng sinh hóa, ôxy và chất dinh dưỡng bị ngắt. Thế nhưng, hệ thống mới, được gọi là OrganEx, “lội ngược dòng” trên chính con đường đó. Một số tế bào não, tim, gan, thận đã sống lại sau 1 giờ con heo ngừng tim. Đầu và cổ của một số con heo chết cũng cử động, tín hiệu cho thấy một số chức năng cơ cũng hồi phục.

Một nghiên cứu mới đã hồi sinh các tế bào trong một số cơ quan nội tạng của heo chết Ảnh: ISTOCK

OrganEx được cho là tốt hơn cả ECMO – phương pháp ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, còn được gọi là “tim – phổi nhân tạo” ở Việt Nam. ECMO cũng từng gây tranh cãi về khả năng hoạt động thay thế nội tạng ở những bệnh nhân đã “chết” theo các tiêu chí về tim mạch, thậm chí có thể ứng dụng để bảo quản nội tạng. OrganEx và ECMO có thể được kết hợp với nhau: Dùng OrganEx khôi phục thiệt hại từ lúc cái chết xảy ra cho đến khi hệ thống ECMO phức tạp được kết nối thành công. OrganEx cũng mang một thế mạnh là khả năng hồi phục gần như nguyên trạng tế bào não.

Dù vậy, theo đài NBC News, vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu trên con người. Những người ủng hộ hy vọng nghiên cứu có thể giúp kéo dài cuộc sống của người bị ngưng tim hoặc đột quỵ. Công nghệ cũng làm dấy lên hy vọng về một loạt ứng dụng y tế dành cho con người trong tương lai, như giúp các cơ quan nội tạng người tồn tại lâu hơn, từ đó hứa hẹn cứu sống hàng ngàn người trên toàn thế giới cần cấy ghép. Dù vậy, công trình cũng dẫn đến những câu hỏi đạo đức về việc y học định nghĩa cái chết ra sao… 


Anh Thư